Thứ sáu, 19/04/2024 | 23:54
RSS

WHO cảnh báo không nên uống rượu để giết virus gây dịch Covid-19

Thứ hai, 23/11/2020, 06:34 (GMT+7)

Trong danh sách các thông tin sai lệch về Covid-19 và virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) vừa được cập nhật, WHO cảnh báo không nên uống rượu uống rượu để giết virus.

Sự kiện:
Covid-19

Nguồn tin từ Tuổi Trẻ, ngày 22/11, tiến sĩ Hanan Balkhy, một cố vấn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khẳng định: "Uống rượu không có giết được virus đâu. SARS-CoV-2 không sợ rượu chúng ta uống". Theo đó, ý tưởng uống rượu hoặc đồ có cồn để giết virus, theo bà Balkhy, có thể xuất phát từ chuyện mọi người được khuyên nên rửa tay bằng nước rửa tay có cồn để diệt vi khuẩn và virus.

Các chuyên gia của WHO cũng lưu ý tại một số nước nhiều người đã phơi nắng nhằm giết chết virus corona. Điều này mặc dù có lợi là giúp cơ thể tăng cường vitamin D, nhưng theo tiến sĩ Sylvie Briand lại không có ý nghĩa gì đối với SARS-CoV-2. WHO cũng khuyến cáo không nên sử dụng đèn tia cực tím để "khử trùng" virus trên da vì có thể gây ra các vấn đề kích ứng.

Nguy cơ bị lây nhiễm từ quần áo, tiền mặt, thẻ tín dụng mà người khác đã cầm là có, nhưng theo WHO là rất thấp. Mọi người cũng có thể phòng tránh bằng việc hạn chế đưa tay vào mũi, mắt hoặc miệng. Ngoài các khuyến cáo mới nêu trên, các chuyên gia WHO cũng có thêm các lưu ý nhỏ là máy đo nhiệt độ không phát hiện virus SARS-CoV-2 và thuốc kháng sinh không giết được virus.

WHO cảnh báo không nên uống rượu để giết virus gây dịch Covid-19

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, trong bối cảnh các nước chạy đua sở hữu các hợp đồng vaccine ngừa covid-19 Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, vaccine không phải là phép nhiệm màu để ngăn chặn đại dịch. Trong bối cảnh hoạt động phát triển và điều chế vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới đang có những thông tin tích cực, nhiều nước đang ráo riết thúc đẩy kế hoạch đặt mua vaccine phòng bệnh nhằm đảm bảo nguồn cung.

Với cuộc chạy đua sở hữu vaccine đang diễn ra quyết liệt, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, vaccine không phải là phép nhiệm màu ngăn chặn đại dịch. Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới, sẽ cần ít nhất khoảng từ 4-6 tháng nữa thế giới mới có thể có được một số lượng vaccine đáng kể để phân phối cho các điểm nóng dịch bệnh. Các nước cũng không nên quá kỳ vọng rằng vaccine sẽ thay thế mọi biện pháp khác để chặn đứng đại dịch mà lơ là cảnh giác.

Cụ thể, ông Stephane Bance - Giám đốc điều hành của Moderna - Hãng dược phẩm có ứng cử viên vaccine tiềm năng cũng khẳng định, vaccine không phải là tất cả mà cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp trong cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu là 58.459.050 ca, trong đó có 1.385.635 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 40.436.368 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 16.637.047 ca và 102.262 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 21/11, thế giới có tới 156 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 104 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Mỹ tiếp tục là điểm dịch lớn số 1 thế giới.

Hoàng Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN