Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:44
RSS

Bị đâm vì... cứu người: “Gặp người bị tai nạn giao thông, nên cứu hay không?”

Thứ tư, 15/02/2017, 19:06 (GMT+7)

Qua câu chuyện hi hữu của anh Nguyễn Hải Sơn, thanh niên bị đâm thủng phổi khi đưa cô gái gặp nạn đi cấp cứu, trên các trang mạng xã hội, dấy lên câu hỏi: “Gặp người bị tai nạn giao thông, nên cứu hay không?”

Nên hay không nên giúp người gặp tai nạn giao thông?

Những ngày qua, cộng đồng mạng xã hội đang xôn xao trước vụ việc anh Nguyễn Hải Sơn đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu bị “trả ơn” bằng 1 nhát dao xuyên phổi.

Sau khi sự việc được đăng tải, cộng đồng mạng xã hội đã nổi lên hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Một là gặp người bị tai nạn giao thông nên “mặc kệ” và hai là gặp người tai nạn giao thông vẫn sẽ đưa đi cấp cứu.

Bảo lưu quan điểm gặp người bị tai nạn giao thông nên “mặc kệ”, chủ nhân tài khoản facebook D.A.T. chia sẻ bài học xương máu.

“Cháu cũng từng bị một trường hợp tương tự như anh này. Tuy nhiên cháu may mắn hơn khi không bị lĩnh một nhát dao.

Chuyện là thế này, đầu năm 2016, cháu đang lưu thông trên đường thì thấy một chị đi xe SH ăn mặc cũng khá chỉn chu va chạm giao thông với 2 thanh niên đầu xanh, đầu đỏ.

Gặp người bị nạn phải cứu giúp (cháu được dạy thế) nên dừng xe đỡ chị này dậy và hỏi han sức khỏe

Tuy nhiên, một lúc sau, một người đàn ông mặt mày khá bặm trợn tiến lại. Chắc cũng nghĩ cháu là người gây tai nạn nên người này lao đến định hành hung cháu.

May sao chị phụ nữ kia kịp thời lên tiếng nếu không chẳng biết hôm đó cháu sẽ như nào nữa.

Qua bài học xương máu của chính bản thân mình, hôm nay lại được biết đến vụ việc của anh Sơn nên cháu quyết định từ giờ có nhìn thấy người gặp nạn cháu cũng giả vờ như không biết. Ai nói cháu vô cảm cũng được ạ”.

Thờ ơ với người bị nạn 1

Sự việc anh Nguyễn Hải Sơn bị đâm khi đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu làm dấy lên tranh luận gay gắt về việc có nên giúp đỡ người bị tai nạn giao thông. Ảnh: Nguyễn Dương.

Trái ngược với quan điểm trên, nhiều người cho rằng giúp đỡ người gặp tai nạn là việc cần thiết và nên làm.

Chủ nhân facebook G.P.T. phân tích: “Thấy người bị nạn thì phải nên giúp, nhất là đối với một xã hội trọng về tình cảm như Việt Nam. Những trường hợp như của anh Sơn mà nhiều bài báo nói chỉ là hi hữu.

Mình giả sử đơn giản như này, nếu bố mẹ, người thân của mấy bạn bị tai nạn trên đường nhưng những người xung quanh lại không hề ngó ngàng đến.

Rồi rất có thể vì sự thờ ơ đó mà người thân các bạn gặp nạn, không qua khỏi thì sao?

Cứu người là việc cấp bách, chỉ cần chậm 1 giây là hậu quả sẽ khôn lường. Là mình, mình sẽ vẫn giúp, chủ yếu là để lương tâm mình không bị cắn dứt”.

Bên cạnh đó, nhiều thành viên cũng hiến kế để mọi người vẫn có thể giúp đỡ và không bị vướng vào những vụ việc rắc rối về sau.

Chủ nhân facebook L.K gợi ý: “Mình được biết rất nhiều người gặp những trường hợp tai nạn giao thông muốn giúp đỡ nhưng lại sợ liên quan rồi bị cuốn vào vụ việc.

Nhẹ hơn thì cơ quan chức năng yêu cầu lấy lời khai, hay nặng thì gặp phải trường hợp người nhà cù nhầy lao vào gây sự như trường hợp của anh Sơn.

Vậy nên, để cho bản thân vừa thanh thản, vừa tránh được những rắc rối thì việc bạn nên làm là báo cáo sự việc cho lực lượng chức năng hoặc xe cứu thương đến hiện trường vụ việc để giải quyết”.

Không cứu giúp người bị tai nạn giao thông sẽ bị xử phạt

Trao đổi với PV Đời sống Plus xoay quanh những ý kiến trái chiều này, Luật sư Lê Văn Khánh – Văn phòng luật sư Hằng Nga cho biết.

“Tại Khoản 3, Điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể như sau.

Phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm: "Không giúp đỡ người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu".

Thờ ơ với người bị nạn 2

Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng sẽ bị sử phạt. Ảnh minh họa.

Việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi có đủ các dấu hiệu thỏa mãn sẽ cấu thành tội phạm. Đó là: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. (Quy định tại Điều 102 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009).

"Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."

Luật sư Lê Văn Khánh cũng thông tin thêm.

“Trong thực tế, việc xử lý người phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng còn nhiều khó khăn bởi lẽ phải xem xét cẩn trọng các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người.

Người có hành động không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng phải nhận thức được tình trạng nguy hiểm của nạn nhân thì mới phạm tội này.

Nếu người đó nhận thức nạn nhân chưa phải trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hoặc hoàn cảnh khách quan thể hiện điều đó nhưng hậu quả nạn nhân vẫn chết thì không phạm tội”.

Nguyễn Dương
Theo Đời sống Plus