Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:26
RSS

Vụ nữ bệnh nhân tử vong sau khi tiêm thuốc chữa dị ứng: Bệnh viện xin rút kinh nghiệm

Thứ ba, 15/05/2018, 15:55 (GMT+7)

Gần một tháng sau cái chết bất thường của nữ bệnh nhân chữa dị ứng tại bệnh viện An Sinh, Sở Y tế TP. HCM đã có kết luận nguyên nhân vụ việc.

 Kết luận vụ bệnh nhân tử vong sau khi tiêm thuốc chữa dị ứng
Sở Y tế cho rằng Bệnh viện An Sinh có sai sót trong phương pháp điều trị khiến bệnh nhân tử vong khi điều trị dị ứng. Nguồn: Mỹ Phan - Tri thức trực tuyến

Liên quan đến vụ việc bệnh nhân tử vong sau khi vào bệnh viện điều trị dị ứng, mới đây, Sở Y tế TP. HCM công bố kết quả họp hội đồng chuyên môn nhằm đánh giá về quá trình khám, chữa bệnh của Bệnh viện An Sinh đối với bệnh nhân L.N.T (30 tuổi) ở Quận 9, TP.Hồ Chí Minh.

Trong văn bản do Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM Tăng Chí Thượng ký, nữ bệnh nhân L.N.T tử vong do tổn thương đa cơ quan (tim, gan, phổi) xuất phát từ sốc phản vệ độ IV.

Sở Y tế TP.HCM cho rằng Bệnh viện An Sinh có sai sót trong điều trị đối với nữ bệnh nhân L.N.T.  Phương pháp điều trị sốc phản vệ (tiêm Adrenalin) là đúng, phù hợp song bệnh viện cần rút kinh nghiệm khi xử trí sốc phản vệ bằng tiêm bắp Adrenalin thay vì tiêm dưới da theo thông tư 51 của Bộ Y tế, theo Tri thức trực tuyến.

Khi người bệnh ngưng tim ngưng thở bệnh viện An Sinh tổ chức cấp cứu kịp thời hiệu quả, đồng thời có hội chẩn và chuyển sang Bệnh viện Nhân dân 115 an toàn.

Hội đồng chuyên môn còn đánh giá thời điểm bệnh nhân vào Bệnh viện Nhân dân 115, đơn vị này chẩn đoán và xử trí sốc phản vệ, tổn thương đa cơ quan là phù hợp với phác đồ.

Ngoài ra, Xét nghiệm chất độc tìm thấy Chlopheniramin, Seduxen là những thuốc Bệnh viện An Sinh đã sử dụng khi điều trị. Liều lượng 2 thuốc này là đúng.

 Kết luận vụ bệnh nhân tử vong sau khi tiêm thuốc chữa dị ứng 2
Người thân quá đau buồn trước sự ra đi của chị T. Nguồn: Hoàng Lộc - Tuổi trẻ

Liên quan đến việc chị T, tử vong - Hội đồng chuyên môn yêu cầu Bệnh viện An Sinh rút kinh nghiệm chuyên môn một số vấn đề như bệnh viện nên hội chẩn liên viện sớm hơn sau khi cấp cứu ngừng hô hấp tuần hoàn. Nên tiếp tục cho bệnh nhân thở máy khi người bệnh có biểu hiện chống máy nhưng tình trạng còn nặng; nên chụp X- Quang phổi tại giường kèm siêu âm tim nhằm đánh giá chức năng co bóp cơ tim và thể tích máu để xử lý nguyên nhân phù phổi; xử trí sốc phản vệ bằng tiêm Adrealin vào bắp thay vì tiêm dưới da, theo thông tin trên báo Tuổi trẻ.

Trước đó ngày 18/4, chị L.N.T. được gia đình đưa tới Bệnh viện An Sinh (phường 12, quận Phú Nhuận) điều trị khi bị nổi mề đay ở da không rõ nguyên nhân.

Trong quá trình điều trị tại đây, chị T. được lấy mẫu máu xét nghiệm, truyền dịch và tiêm 3 liều thuốc chữa dị ứng.

Tuy nhiên, sau khi tiêm thuốc, chị T. xuất hiện nôn ói, khó thở, trào bọt hồng qua miệng, ngưng hô hấp tuần hoàn. Bác sĩ Bệnh viện An Sinh tiến hành cấp cứu hồi sức tim phổi. Đến 10h30 ngày 19/4, chị T. được chuyển qua Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy qua nội khí quản.

Tại khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115, người bệnh được các y bác sĩ điều trị hồi sức tích cực nội khoa theo hướng sốc phản vệ song bệnh diễn tiến nặng chị T. không qua khỏi

Gia đình đã làm đơn khiếu nại gửi Bộ Y tế, Sở Y tế TP. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện liên quan xác minh báo cáo, lập hội đồng chuyên môn đánh giá quy trình điều trị, đồng thời đơn vị có báo cáo gửi Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) về vụ việc nêu trên.


Xem thêm Clip: Bệnh nhân tử vong sau mổ tay: Nghi tắc mạch do mỡ

Minh Anh (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN