Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:03
RSS

Dùng nước lá tắm cho trẻ - mẹ cẩn thận không con dị ứng hoặc viêm da bội nhiễm

Chủ nhật, 17/09/2017, 16:48 (GMT+7)

Có rất nhiều loại lá được các mẹ, các bà mách nhau dùng đun nước tắm cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, việc dùng nước lá tắm không được tùy tiện. Nếu không rõ về tác dụng của lá thì tốt nhất cho trẻ tắm nước lã cho lành.

Nước lá tắm cho bé

Nước lá tắm cho bé không lành và an toàn như chúng ta vẫn nghĩ. Ảnh minh họa: Internet

Tùy từng địa phương, yếu tố thời tiết sở thích, sự tiện lợi của mẹ hoặc bệnh lý của trẻ mà các mẹ có những lựa chọn nước tắm khác nhau. Thường thì mướp đắng, lá chè xanh, lá sài đất, chanh... được sử dụng phổ biến hơn cả.

Nhiều cây lá được sử dụng để tắm

Ở những trẻ có vấn đề về da (ghẻ ngứa, rôm sảy, mụn nhọt...), các mẹ thường dùng thêm lá khế, lá tía tô, kinh giới...

Thực ra, các lá nói trên cũng có những tác dụng nhất định. Để lựa chọn dùng, ta phải hiểu về loại cây lá đấy.

Nhìn chung, dựa vào đặc điểm và công dụng của các loại cây lá, có thể chia thành các nhóm như sau:

Tắm nước lá cho bé

Nếu da bé bình thường mà mẹ lại không rõ về các loại lá, tắm cho bé nước lã sạch là đủ

-Trị rôm sảy, mụn nhọt: Dùng lá sài đất, bồ công anh, mướp đắng, rau má… Trong đó mướp đắng và rau má là hai loại khá mát và có thể dùng để tắm hàng ngày, thường xuyên mà không gây hại.

- Trị mẩn ngứa, dị ứng, lở sơn, viêm da cơ địa: Dùng nhóm cây thanh nhiệt, khu phong như lá khế hay kinh giới…

- Làm se mụn, trị thủy đậu, chốc lở, ngứa, mụn mủ: Dùng lá trầu không, chè xanh, chân vịt, xuyên tâm liên…

- Trẻ lớn có chấy rận: Dùng lá na, hạt na, lá xoan…

Nước lá tắm nhìn chung là tốt. Nhưng không phải trường hợp nào cũng đáp ứng hiệu quả. Và với những trẻ da hoàn toàn bình thường, sử dụng nước lá tắm là không cần thiết.

Nước lá tắm có thể gây hại

Thực tế, lá tắm có thể gây thêm bệnh cho trẻ nếu dùng không đúng cách, đặc biệt trong những trường hợp da của bé đã bị tổn thương. Sở dĩ như vậy vì một số loại vi khuẩn bám trên lá cây vẫn còn sống dù đã đun sôi nước. Những vi khuẩn này sẽ bám vào da bé và tấn công khiến tình trạng viêm nhiễm, mụn nhọt trên da nặng nề hơn, gây bội nhiễm.

Một số nước lá tắm có tính vị nóng như nước trầu không, nước gừng, ngải cứu..., các mẹ không nên lạm dụng dùng cho bé; nếu dùng thì chỉ nên vào mùa đông và với lượng vừa phải.

Một số trẻ có những dị ứng với cây lá nên các mẹ cần thận trọng. Tốt nhất nên thử bôi một ít nước lá đó lên da con trước khi quyết định có nên cho tắm nước lá đó hay không.

Tốt nhất, muốn tắm lá cho trẻ thì các mẹ nên tham khảo các chuyên gia về cây lá được đào tạo bài bản.

Trường hợp cần tắm lá thì các mẹ lưu ý những điều sau:

-Sử dụng đúng loại lá, đúng liều lượng cho phép (không phải dùng càng nhiều lá càng tốt).

Dùng lá tắm cho bé

Các loại lá tắm cho bé cần được rửa sạch, đun sôi kỹ để tránh vi khuẩn từ lá tắm xâm nhập vào da bé. Ảnh minh họa: Internet

-Rửa sạch để loại bỏ trứng côn trùng và bụi bẩn, sau đó nên ngâm lá qua nước muối loãng.

-Đun sôi kỹ nước lá rồi để nguội rồi mới cho bé tắm.

-Nên tắm tráng cho trẻ bằng nước lã sau khi tắm nước lá.

Trường hợp không hiểu rõ về các loại lá, còn băn khoăn về việc dùng lá, tốt nhất là cho trẻ tắm bằng nước lã thông thường, chỉ cần giữ vệ sinh da cho trẻ sạch sẽ.

Để an toàn nhất cho con, nếu da bé có vấn đề khiến bé khó chịu, nên cho đi khám để bác sĩ cho lời khuyên cụ thể.

Chỉ vài lá tía tô, trẻ sẽ không sốt và quấy khóc sau khi tiêm phòng. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

 

Hoài Nguyễn (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN