Chiều 16/12, TAND quận Phú Nhuận đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (sinh năm 1988, TPHCM) mức án 7 năm 6 tháng tù giam về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Về bồi thường dân sự, HĐXX cũng tuyên bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại Lê Mạnh Thường hơn 477 triệu đồng và bị hại Nguyễn Thị Bích Hường hơn 1,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho báo Dân Trí hay, việc thi hành án phần dân sự này sẽ rất khó khăn, bởi như bị cáo đã khai tại tòa, tài sản duy nhất của bị cáo là căn hộ chung cư mà bị cáo mua cùng mẹ đã được bị cáo chuyển quyền sở hữu sang cho mẹ mình.
Luật sư Chánh cho rằng: "Bị cáo không còn tài sản thì làm sao bồi thường? Bị cáo đã trên 18 tuổi, mẹ bị cáo không có trách nhiệm phải bồi thường thay. Mà không bồi thường cho bị hại thì cũng chỉ ảnh hưởng đến việc bị cáo sẽ không được giảm án để ra tù trước hạn, không được xóa án tích khi chưa thi hành xong các hình phạt phụ… chứ pháp luật không thể cưỡng chế bị cáo bồi thường khi không có tài sản".
Việc này cũng đã được các luật sư của bị hại Nguyễn Thị Bích Hường đề cập đến trong phiên tòa. Các luật sư cho rằng, việc bị cáo tiến hành công chứng chuyển nhượng căn hộ trong thời gian đang bị tạm giam, đối mặt với trách nhiệm pháp lý phải bồi thường số tiền lớn cho các bị hại là có dấu hiệu tẩu tán tài sản. Từ đó, các luật sư đề nghị trả hồ sơ vụ án để điều tra lại tình tiết này.
Tuy nhiên, trong ngày tuyên án, HĐXX không đồng ý việc trả hồ sơ điều tra lại mà tách tình tiết này ra, đề nghị các bên liên quan giải quyết bằng việc khởi kiện một vụ án dân sự khác để xác định tính hợp pháp của giao dịch này. Từ đó, đề nghị hủy bỏ giao dịch mua bán quyền sử dụng căn hộ chung cư trên để đảm bảo bị cáo có tài sản thi hành án.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, việc khởi kiện dân sự trên là biện pháp duy nhất và các bị hại cần tiến hành càng nhanh càng tốt, tránh cho tài sản này bị giao dịch lòng vòng khiến việc hủy bỏ giao dịch phức tạp hơn, khó khắc phục hậu quả.
Luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn LS TP.HCM) cho PLO biết khoản 1 Điều 63 BLHS quy định: Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Đối chiếu với quy định trên, rõ ràng việc bồi thường dân sự là điều kiện bắt buộc để người bị kết án được giảm thời hạn chấp hành hình phạt. “Ngay cả khi đã bồi thường 100% nghĩa vụ dân sự cũng chưa chắc được thụ án ít lại mà còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác. Huống hồ ở đây bị cáo Phong không chịu bồi thường phần nào thì việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù là không thể”, LS Dũ nói.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 66 BLHS thì người bị kết án phạm tội rất nghiêm trọng (khung hình phạt trên 7 năm tù đến 15 năm tù, Phong thuộc loại tội phạm này) và trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mới có thể được tha tù trước hạn.
“Do đó, việc Phong không bồi thường đồng nghĩa với việc Phong không có bất kì cơ hội nào để ra tù sớm mà phải chấp hành đủ hình phạt 7 năm 6 tháng đã bị tòa tuyên (nếu án này có hiệu lực pháp luật). Chỉ khi Phong có thiện chí bồi thường phần nào thiệt hại cho các nạn nhân mới xem xét đến khả năng được giảm hình phạt, sau đó mới là ra tù sớm”, LS Dũ nói.
Trường hợp đến khi mãn hạn tù mà bị cáo Phong vẫn chưa bồi thường đầy đủ cho người bị hại và vẫn không có tài sản để thực hiện việc bồi thường thì nghĩa vụ đó vẫn phải theo Phong suốt đời.