Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:16
RSS

Vụ khóa cửa nhà dân ở Thanh Hóa: 'Thể hiện sự lúng túng, hoảng loạn'

Thứ hai, 17/01/2022, 14:17 (GMT+7)

Luật sư Trương Anh Tú (Công ty Luật TAT Lawfrim) đánh giá, việc khóa cửa nhà dân "là sai, thể hiện sự lúng túng, hoảng loạn" trong phòng, chống Covid-19 ở địa phương.

Liên quan đến sự việc nhiều hộ dân có người về từ vùng dịch bị khóa cửa nhà, Luật sư Trương Anh Tú (Công ty Luật TAT Lawfrim) cho VNExpress biết, các địa phương cần thực hiện việc đón người về quê ăn Tết theo quy định phòng chống dịch của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế; không nên "sáng tạo thái quá".

Theo luật sư Tú, việc khóa cổng nhà dân "là sai, thể hiện sự lúng túng, hoảng loạn" trong phòng, chống covid-19 ở địa phương. Việc làm này có dấu hiệu vi phạm các quyền về tự do cư trú và đi lại của người dân.

Cụ thể, hiến pháp năm 2013 quy định, công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tự do đi lại, cư trú trong nước. Quyền của công dân chỉ có thể bị hạn chế theo "quy định của luật" trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, sức khỏe của cộng đồng...

Trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền chỉ được phép hạn chế quyền của người dân bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự như bắt giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc xuất cảnh; tịch thu phương tiện, tài sản; phạt tiền... Với nhà đất, tòa án khi cần cũng chỉ có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, phong tỏa, cấm thay đổi hiện trạng hoặc mua bán...

Luật sư Tú cũng khẳng định "không có quy định nào cho phép khóa cửa nhà dân". Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan, kể cả những điều khoản về tình trạng khẩn cấp, chiến tranh... cũng không cho phép làm như vậy, luật sư nêu quan điểm.

Đồng thời nhấn mạnh, dù việc khóa cửa được người dân chấp thuận, chính quyền xã vẫn không được thực hiện, vì vi phạm nguyên tắc "người dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan nhà nước được làm những gì pháp luật cho phép". Không những thế, biện pháp "khóa cửa, giữ chìa" còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy hoặc nếu nhà dân có người cần cấp cứu sẽ khó khăn hơn.

Luật sư Trương Anh Tú, việc khóa cửa nhà dân có người về từ vùng dịch là sai luật

Hàng chục hộ dân tại huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) có người về từ vùng dịch được vận động và khóa trái cửa cổng. Ảnh: PLO

Trước đó, như báo chí đã đưa tin, ngày 15/1, ông Nguyễn Thế Anh - Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) xác nhận với Dân trí, có khoảng 30 hộ dân có người từ vùng dịch về được xã Thiệu Phú vận động và khóa trái cửa cổng.

Theo ông Anh, việc khóa cửa cổng là người dân tự nguyện, chính quyền không ép buộc ai. Tuy nhiên, việc làm của chính quyền xã Thiệu Phú có hơi cứng nhắc, không nên khóa cổng như vậy. Sau khi nhận được thông tin, huyện đã chỉ đạo UBND xã Thiệu Phú mở hết khóa cổng đối với các trường hợp nêu trên.

"Việc này người dân tự nguyện, không ai ép buộc cả nhưng không nên khóa cổng ngoài, để người dân tự theo dõi rồi giao cho tổ giám sát cộng đồng theo dõi, việc làm của xã hơi cứng nhắc", ông Anh nói.

Trao đổi với báo Người lao động, ông Hoàng Ngọc Linh - Chủ tịch UBND xã Thiệu Phú cho biết, địa phương khóa cổng nhà các hộ dân có người từ xa về là thực hiện linh hoạt, nhằm hạn chế nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng bởi gần đây có nhiều người về từ vùng dịch nguy cơ cao, đang cách ly tại nhà nhưng đã đi ra khỏi nhà. Cũng có trường hợp sau hoàn thành cách ly lại phát hiện dương tính.

Theo ông Linh, địa phương hiện có hơn 2.000 người đi làm ăn xa và những ngày gần đây, mỗi ngày có hàng chục người từ các địa phương khác về quê. Đến nay, xã Thiệu Phú đã ghi nhận 20 ca mắc Covid-19, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân nên xã đã vận động người dân khóa cổng và được đồng ý. Tuy nhiên, sau khi nhận được chỉ đạo của huyện, xã đã tháo khóa cổng ngoài.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại