Cụ thể, một số địa phương tại tỉnh Thanh Hóa đã có thư ngỏ kêu gọi các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực vận động và thông báo cho con em, người thân trong gia đình đang sinh sống, học tập, công tác xa quê không trở về đón Tết nếu không thật sự cần thiết.
Theo nguồn tin trên báo Lao động, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) mới đây đã ra thư ngỏ về việc cùng chung tay với các cấp uỷ, chính quyền huyện Nông Cống (Thanh Hoá) thực hiện các biện pháp phòng chống dịch covid-19 Bức thư ngỏ này được ông Nguyễn Lợi Đức – Chủ tịch UBND huyện Nông Cống ký tên và đóng dấu phát đi ngày 30/12/2021.
Nội dung thư ngỏ nêu rõ, với phương châm "Bảo vệ sức khỏe tính mạng Nhân dân là trên hết, trước hết", Huyện ủy- HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ huyện Nông Cống kêu gọi các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tích cực vận động và thông báo cho con em, người thân trong gia đình đang sinh sống, học tập, công tác xa quê biết được tình hình phức tạp của dịch bệnh tại địa phương và tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Nhâm Dần năm 2022.
Thư ngỏ của huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) gửi đến người dân. Ảnh: Lao động
Ngoài huyện Nông Cống, người dân người dân trên địa bàn TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cũng đã nhận được bức thư ngỏ của Thành ủy, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố với nội dung kêu gọi "chung tay cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19".
Theo đó, với phương châm "Bảo vệ sức khỏe tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết", Thành ủy, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố kêu gọi các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực vận động và thông báo cho con em, người thân trong gia đình đang sinh sống, học tập, công tác xa quê biết được tình hình phức tạp của dịch bệnh tại địa phương và tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết; nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Hay như theo phản ánh của công dân tại xã Nga Phú (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) với báo Dân trí, người từ Hà Nội về địa phương đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và thời gian tiêm chủng đúng theo quy định, nhưng xã vẫn ban hành quyết định cách ly tập trung tại nhà 14 ngày.
Qua tìm hiểu của PV Dân trí, ngày 21/12/2021, UBND xã Nga Phú đã ban hành quyết định về việc cách ly y tế tập trung tại nhà 14 ngày để phòng, chống dịch Covid-19 đối với công dân H.T.V. Được biết, công dân này đi từ Hà Nội về và đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Thời gian thực hiện cách ly là 14 ngày và phải có kết quả xét nghiệm PCR lần thứ 2 hoặc thứ 3 âm tính thì mới được công nhận hết thời gian cách ly. Hết thời gian cách ly, công dân phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
Trong thời gian cách ly, công dân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần vào các ngày thứ nhất, thứ 7 và ngày thứ 14. Người cách ly phải tự trả chi phí cho 3 lần xét nghiệm và các chi phí khác liên quan trong thời gian thực hiện cách ly.
Quyết định cách ly tập trung tại nhà 14 ngày đối với công dân từ các địa phương khác trở về của UBND xã Nga Phú. Ảnh người dân cung cấp – Báo Dân trí
Trong khi đó, ngày 5/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định số 4399 về việc ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trong đó có quy định, những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương thực hiện tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày; thực hiện xét nghiệm vào ngày đầu kể từ ngày về địa phương, luôn thực hiện 5K; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử lý theo quy định…
Trước đó, như báo Lao động đưa tin, ngày 29/12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã ban hành chỉ thị về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 an toàn, vui tươi, lành mạnh, nghĩa tình và tiết kiệm. Theo đó, để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân trong tỉnh đón mừng năm mới 2022 và vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần an toàn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch covid-19
Các địa phương phải chủ động dự báo, đánh giá nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn tỉnh và từng địa phương để xây dựng, thực hiện kịp thời, quyết liệt, hiệu quả các phương án, kịch bản phòng, chống dịch bệnh. Đáng chú ý, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương tuyên truyền nhân dân vận động người thân đang sinh sống, làm việc ở nơi có dịch không trở về địa phương này trong dịp Tết, khi không thật sự cần thiết.
Mặc dù lãnh đạo của các địa phương này khẳng định đây chỉ là khuyến cáo và vận động chứ không hề ngăn cấm người dân về quê nhưng ngay sau khi được ban hành, những thư ngỏ và văn bản của các địa phương trên vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Trong đó, không ít người cho rằng, việc chính quyền địa phương vận động, khuyến cáo người dân không về quê dịp Tết này là đi ngược chủ trương của Chính phủ về thích ứng an toàn với dịch Covid-19.
Ảnh minh họa
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, không "ngăn sông cấm chợ" vì tỷ lệ bao phủ vaccine hiện giờ đã cao.
Theo ông Phu, khi đã chấp nhận "không Zero", đã tiêm vaccine phòng Covid-19 thì phải chấp nhận thực tế số ca mắc Covid-19 có thể tăng cao. Chính phủ đã ra Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19 trong đó nới lỏng tất cả các hoạt động kể cả đi lại, kiểm soát rủi ro. Do đó, các tỉnh cần thực hiện nghiêm quy định này, tránh mỗi nơi làm một kiểu gây ảnh hưởng tới làm kinh tế cũng như an sinh xã hội. Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh, việc địa phương vận động hay ra quy định "làm khó" người dân về quê dịp Tết sẽ tạo ra một số tiền lệ không hay và gây dư luận không tốt
TS Phu thông tin thêm, việc cách ly, xét nghiệm Bộ Y tế đã có quy định cụ thể. Bộ Y tế quy định không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở… hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3. Ngoài ra, việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém, vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh. Các địa phương nên tạo điều kiện cho lao động về quê đón Tết an toàn.
TS Nhu khuyến cáo người dân khi về quê ăn Tết người dân vẫn không nên lơ là các biện pháp phòng bệnh. Thích ứng trong tình hình mới, chúng ta không để giãn cách xã hội như trước. Tuy nhiên, người dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập…
Trong khi đó, chuyên gia của Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cũng cho rằng, việc yêu cầu người dân về sớm để cách ly hay vận động không nên về quê ăn Tết không có nhiều hiệu quả phòng chống dịch. Điều cốt lõi là cần thích ứng an toàn trong điều kiện mới và nâng cao thói quen phòng ngừa, giúp người dân được về quê đón Tết an toàn.