Thứ năm, 25/04/2024 | 18:33
RSS

Viêm mũi không do dị ứng: nguyên nhân và cách điều trị

Thứ năm, 19/03/2020, 16:24 (GMT+7)

Viêm mũi không do dị ứng là tình trạng viêm bên trong mũi mà nguyên nhân gây bệnh không phải dị ứng. Cần xác định đúng tác nhân gây bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp.

Sự kiện:
Viêm mũi xoang

Triệu chứng viêm mũi không do dị ứng

Những người mắc viêm mũi không do dị ứng có thể gặp những triệu chứng bệnh vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, thường chỉ nhất thời và tự hết sau một thời gian ngắn. Những triệu chứng này có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, nhưng thường xảy ra nhất đối với người trên 20 tuổi.

Những triệu chứng thường gặp là:

  • Nghẹt mũi
  • Chảy nước mũi
  • Hắt hơi
  • Mũi căng, đau

Đặc biệt, trong trường hợp viêm mũi teo, do lớp niêm mạc mũi trở nên mỏng và cứng nên người bệnh có thể bị thêm một số triêu chứng đặc trưng như:

  • Gỉ mũi nhiều
  • Mũi có mùi hôi (mùi từ gỉ mũi)
  • Chảy máu cam nếu người bệnh cố gắng cậy những mảnh gỉ mũi ra ngoài
  • Giảm hoặc mất khả năng ngửi  

viêm mũi không do dị ứng
Người bị viêm mũi không do dị ứng hay hắt hơi, chảy nước mũi

Nguyên nhân gây bệnh

Mạch máu trong mũi giúp kiểm soát dòng chảy của dịch mũi bằng cách giãn hoặc co mạch. Viêm mũi xảy ra khi mạch máu bên trong mũi giãn ra, làm đầy niêm mạc mũi bằng máu và dịch. Lúc này, niêm mạc sưng lên gây nên nghẹt mũi và kích thích tuyến nhầy trong mũi. Từ đó làm xuất hiện các triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi. Có nhiều yếu tố được cho là tác nhân khởi phát tình trạng này, một số trong đó gây nên các triệu chứng tức thời, trong khi số còn lại gây nên những vấn đề mạn tính.

  • Nhiễm virus: tác nhân phổ biến gây viêm mũi không do dị ứng là tình trạng nhiễm virus, ví dụ virus gây cảm lạnh hoặc cúm.
  • Chất kích ứng từ môi trường sống hoặc làm việc: khói, bụi, khói thuốc hoặc mùi hương (ví dụ như nước hoa) có thể làm khởi phát viêm mũi không do dị ứng.
  • Thay đổi thời tiết: những thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm có thể tác động tới niêm mạc mũi của bạn làm niêm mạc sưng lên và gây tình trạng chảy mũi hoặc nghẹt mũi.

viêm mũi không do dị ứng
Thay đổi thời tiết cũng có thể khiến bệnh khởi phát

  • Thức ăn và đồ uống: bệnh có thể khởi phát khi bạn ăn, đặc biệt đồ ăn cay hoặc nóng. Thức uống chứa cồn cũng có thể làm cho niêm mạc mũi sưng lên, gây nghẹt mũi.
  • Một số loại thuốc: một số thuốc có thể có tác dụng phụ là viêm mũi, ví dụ: aspirin, ibuprofen, thuốc điều trị huyết áp (như thuốc chẹn kênh beta). Ngoài ra một số loại thuốc như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai đường uống hoặc thuốc dùng trong điều trị rối loạn cương dương cũng có thể gây nên các triệu chứng viêm mũi này. Sử dụng quá liều hoặc lạm dụng thuốc xịt giảm nghẹt mũi cũng có thể gây viêm mũi không do dị ứng hay còn gọi là viêm mũi do thuốc.
  • Thay đổi hormon trong cơ thể: sự thay đổi hormon do mang thai, mãn kinh, sử dụng thuốc tránh thai hay do tình trạng bệnh lý như thiểu năng tuyến giáp cũng có thể là nguyên nhân gây viêm mũi không do dị ứng.
  • Tư thế ngủ ngửa, chứng ngưng thở khi ngủ hoặc trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể gây nên bệnh lý viêm mũi 

Điều trị viêm mũi không do dị ứng

Tình trạng viêm mũi không do dị ứng thường không nguy hại cho sức khỏe nhưng nó có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Biện pháp điều trị tốt nhất phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh và nguyên nhân gây nên tình trạng đó.

Với những trường hợp nhẹ, tránh tiếp xúc với các tác nhân khởi phát và hiểu cách tự chăm sóc bản thân, như rửa mũi, xịt mũi cũng có thể làm giảm triệu chứng bệnh.

viêm mũi không do dị ứng
Rửa mũi, xịt mũi giúp làm giảm triệu chứng viêm mũi không do dị ứng

Với những trường hợp viêm mũi với triệu chứng nặng, gây khó chịu nhiều, bạn có thể cần dùng thuốc giúp giảm triệu chứng bệnh, bao gồm: 
  • Thuốc xịt mũi chứa thành phần kháng histamine: thuốc kháng histamin đường uống hầu như không có tác dụng với viêm mũi nhưng dạng xịt tại chỗ lại mang lại hiệu quả giúp giảm triệu chứng bệnh.
  • Thuốc xịt mũi chứa anticholinergic: thuốc xịt mũi với thành phần ipratropium – thuốc được sử dụng nhiều trong điều trị hen, nay được dùng trong chế phẩm xịt mũi nhằm giảm các triệu chứng chảy nước mũi. Tác dụng không mong muốn của thuốc này có thể là chảy máu cam hoặc khô mũi.
  • Thuốc giảm nghẹt mũi: các thuốc này giúp co mạch máu, từ đó giảm triệu chứng nghẹt mũi.
  • Thuốc xịt mũi chứa corticosteroid: Nếu các triệu chứng không thuyên giảm khi sử dụng các thuốc trên, bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc chứa thành phần này. Corticosteroid có tác dụng ngăn ngừa và điều trị tình trạng viêm liên quan đến một số loại viêm mũi không do dị ứng.

viêm mũi không do dị ứng
Các thuốc dạng xịt có thể cần thiết khi triệu chứng tăng nặng

  • Sử dụng nước muối xịt mũi: có tác dụng rửa trôi các tác nhân gây kích ứng, đồng thời các giọt nước nhỏ dạng phun sương giúp làm loãng dịch mũi và làm niêm mạc mũi trơn hơn. Đây được xem là biện pháp hữu hiệu làm giảm triệu chứng viêm mũi không do dị ứng mức độ nhẹ và hỗ trợ điều trị trong trường hợp người bệnh gặp triệu chứng nặng hơn và cần các thuốc điều trị khác.
Phạm Hảo
Theo Đời sống Plus/GĐVN