Thứ ba, 19/03/2024 | 07:25
RSS

Chọn đúng thuốc trị viêm mũi, phòng ngừa tái phát!

Thứ hai, 21/10/2019, 15:59 (GMT+7)

Viêm mũi hay sổ mũi thường có triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi,... Điều trị và phòng ngừa viêm mũi bằng cách nào an toàn và hiệu quả không phải ai cũng biết.

thuốc trị viêm mũi
Cách chọn đúng thuốc trị viêm mũi

Nguyên nhân gây viêm mũi

  • Do virus: đại đa số các trường hợp viêm mũi là do nhiễm virus. Có rất nhiều loại virus có thể gây viêm mũi như nhóm coronavirus, nhóm adenovirus hay là do virus cúm, nhưng phổ biến hơn cả là nhóm rhinovirus. 
  • Do vi khuẩn: các vi khuẩn thường gây viêm mũi gồm haemophilus influenzae, phế cầu, tụ cầu… nhưng nguy hiểm nhất là các liên cầu nhóm A (Streptococus pyogenes) vì nó có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như: thấp khớp cấp, viêm cầu thận cấp.
  • Do kích ứng: khói xe, khói thuốc lá, bụi bẩn, hơi hóa chất cũng có thể kích ứng mũi, gây viêm mũi. 
  • Do dị ứng: dị ứng phấn hoa, thức ăn, Mỹ phẩm, lông thú nuôi cũng gây sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi. 
  • Do thay đổi thời tiết đột ngột: thời điểm giao mùa dễ gây viêm đường hô hấp trên, như viêm mũi họng.

thuốc trị viêm mũi

Dị ứng phấn hoa, bụi bẩn là nguyên nhân thường gặp gây viêm mũi, hắt hơi, sổ mũi

Lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm mũi

Việc điều trị viêm mũi phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Những loại thuốc thường được dùng là:

Thuốc rửa mũi, dung dịch xịt mũi:

Thuốc rửa mũi hay dung dịch nước muối sinh lý thường được dùng để làm sạch mũi, làm loãng dịch tiết trong mũi, chống khô mũi. Sau khi xì mũi hoặc hút rửa mũi, dịch tiết và bụi bẩn sẽ được tống ra khỏi mũi. 
 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bạn nên lưu ý giữ vệ sinh các chai, lọ xịt mũi, nhất là phần tiếp xúc với mũi, để tránh nhiễm khuẩn ngược vào trong chai, lọ. Khi đó, lần dùng tiếp theo sẽ vô tình đưa vi khuẩn vào mũi khiến bệnh dai dẳng, mãi không khỏi. 
 
Để làm sạch mũi hiệu quả và an toàn, bạn nên chọn những sản phẩm xịt mũi hoặc rửa mũi có chứa nước muối biển và các nguyên tố vi lượng như Cu, Zn, Mn, Mg, Se, I, Al… với nồng độ tối ưu cho sức khỏe niêm mạc. Nước muối biển giúp làm sạch, sát khuẩn, các nguyên tố vi lượng giúp giảm phù nề, giảm kích ứng niêm mạc. 
thuốc trị viêm mũi
Vệ sinh mũi không chỉ giúp phòng ngừa mà còn hỗ trợ điều trị viêm mũi

Thuốc chống dị ứng:

Phổ biến nhất là các thuốc như chlorpheniramin, promethazin, loratadin… Đây là các chất kháng histamin, rất hiệu quả khi điều trị triệu chứng dị ứng như ho, sổ mũi, nổi mề đay, ngứa. Tuy nhiên, nhược điểm của thuốc là gây buồn ngủ (như chlorpheniramin, promethazin). Vì vậy, khi dùng thuốc, người bệnh cần tránh làm việc đòi hỏi sự tập trung, tỉnh táo như lái xe, làm việc trên cao… và không uống rượu khi đang phải dùng thuốc.

Thuốc điều trị nghẹt mũi, làm thông mũi:

Các thuốc như naphazolin, xylometazolin, oxymetazolin… Khi nhỏ thuốc vào niêm mạc mũi, các thuốc này có tác dụng làm co mạch tại chỗ, do đó giảm lưu lượng máu qua mũi giúp giảm sưng và sung huyết làm cho mũi hết ngạt và dễ thở tạm thời. 
 
Thuốc được dùng dưới dạng nhỏ mũi hoặc khí dung, có tác dụng nhanh, duy trì trong nhiều giờ. Vì thế, mỗi ngày chỉ nên nhỏ từ 2-3 lần và chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày. Không dùng thuốc kéo dài vì dễ có tác dụng ngược, làm mũi bị nghẹt nhiều hơn. Không nên dùng thuốc cho người bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, mạch nhanh, người bị viêm mũi mạn tính.

Thuốc chống viêm corticoid:

Các thuốc này có hiệu quả trong việc điều trị các loại viêm mũi, viêm xoang mạn tính. Thuốc làm giảm các triệu chứng như ngứa mũi, làm thông mũi, giảm nghẹt mũi xoang. Thuốc chống viêm corticoid có thể gây nhờn thuốc nên không dùng quá 7 ngày.
thuốc trị viêm mũi
Khi điều trị viêm mũi, không nên dùng thuốc chống viêm corticoid kéo dài

Thuốc kháng sinh:

Tự ý dùng thuốc kháng sinh, uống không đúng liều làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh rất nguy hiểm. Bởi vậy, người bệnh chỉ nên dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, dùng hết liều dù các triệu chứng bệnh đã thuyên giảm.

Phòng tránh viêm mũi bằng cách nào?

Để phòng ngừa viêm mũi, cần xác định được nguyên nhân để có cách ngăn chặn. 
 
Với nguyên nhân do virus, vi khuẩn: Nên ăn uống đầy đủ, bổ sung vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng, giữ ấm cơ thể khi trời chuyển lạnh, luôn rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn…
Với nguyên nhân do kích ứng, dị ứng: Tránh hoặc hạn chế các tác nhân gây dị ứng như bụi bẩn, khói thuốc lá, phấn hoa… Không ăn các loại thực phẩm đã từng gây dị ứng hoặc nghi ngờ gây dị ứng (như tôm, cua…).
 
Nên đeo khẩu trang khi quét dọn nhà cửa hoặc khi đi ngoài đường để tránh bụi bẩn. Việc xịt rửa mũi sau khi đi ngoài đường về cũng giúp làm sạch các bụi bẩn bám trong mũi và giữ độ ẩm cho niêm mạc mũi. 
Đa phần trường hợp viêm mũi nhẹ chỉ cần xịt rửa mũi đúng cách bằng dung dịch nước muối biển sẽ có hiệu quả mà không cần phải dùng thêm bất kỳ loại thuốc nào khác. 
Xuân Khánh
Theo Đời sống Plus/GĐVN