Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:29
RSS

Vì sao Việt Nam chưa sử dụng vắc xin ngừa sốt xuất huyết?

Thứ tư, 16/08/2017, 10:15 (GMT+7)

Sốt xuất huyết là căn bệnh thường gặp ở các nước nhiệt đới và dễ gây thành dịch. Hiện đã có vắc xin ngừa sốt xuất huyết, nhưng ở nước ta, vắc xin này chưa được sử dụng.

Cách đây gần 1 năm, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã đưa ra khuyến nghị các nước có thể dùng vắc xin Dengvaxia để ngừa sốt xuất huyết. Đây là vắc xin của hãng dược Sanofi Pasteur (Pháp). Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, Bộ Y tế Việt Nam khẳng định chưa thể dùng vắc xin này.

Một chuyên gia của Viện sốt rét ký sinh trùng và côn trùng Trung ương cho biết, sau khi tuyên bố sản xuất thành công vắc xin Dengvaxia ngừa sốt xuất huyết tập đoàn Sanofi Pasteur đã có đơn xin nghiệm thu thử nghiệm tại Việt Nam, tuy nhiên Bộ Y tế Việt Nam đã bác bỏ đơn xin nghiệm thu này với lý do: Nghiên cứu ở nước ta không đại diện được toàn cầu.

Thực ra, có hạn chế của Dengvaxia mà không phải người dân nào cũng biết, đó là: không phải vắc xin này có hiệu quả chống lại 4 tuýp virus gây sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết

Trẻ sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Kết quả thử nghiệm tại các nước châu Á và châu Mỹ la tinh cho thấy: vắc xin Dengvaxia chỉ hiệu quả ở trẻ trên 9 tuổi, và chỉ những ai đã nhiễm virus Dengue thì vắc xin mới có hiệu quả cao. Nghĩa là ở người chưa nhiễm virus Dengue thì vắc xin không có tác dụng bao nhiêu.

Nếu sử dụng vắc xin Dengvaxia, phải tiêm 3 liều, mũi sau cách mũi trước 6 tháng. Giá của mỗi liều là 50 đô la, nghĩa là hơn một triệu đồng/liều. Đây cũng là giá thành khá cao mà người sử dụng phải trả.

WHO cũng khuyến cáo các nước cân nhắc bài toán chi phí giữa hiệu quả khi sử dụng vắc xin và các yếu tố khác. Và WHO cũng chỉ khuyến nghị dùng vắc xin Dengvaxia ở nơi dịch lưu hành nhiều. Ở nơi dịch lưu hành ít, vắc xin này không nhiều tác dụng.

Hiện tại, để phòng ngừa sốt xuất huyết, ngành y tế nước ta vẫn khuyến cáo người dân chú trọng việc diệt loăng quăng, bọ gậy, lật úp các dụng cụ chứa nước, ngủ màn tuyệt đối.

Tính đến nay, cả nước đã có 81.000 ca mắc sốt xuất huyết, 24 ca tử vong. Tại Hà Nội, tính đến ngày 12/8, số mắc sốt xuất huyết tích lũy là gần 15.400 ca, trong khi hai ngày trước đó là 13.900 ca, 7 ca tử vong. Tại các bệnh viện có khoa truyền nhiễm, số người đến khám và điều trị vì có biểu hiện sốt xuất huyết tăng vọt. 

Bài thuốc trị sốt xuất huyết cho trẻ. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

Quách Tuấn (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN