Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:29
RSS

Vì sao nước đun sôi để qua đêm nguy cơ nhiễm khuẩn cao?

Thứ hai, 31/10/2016, 14:38 (GMT+7)

Bình thường, nước đun sôi 100 độ C diệt được vi khuẩn nhưng để nguội trên 2 giờ đã bắt đầu có vi khuẩn và sau 24 giờ, lượng vi khuẩn tăng lên rất nhiều.

Gần đây, cư dân mạng xôn xao chia sẻ thông tin về việc uống nước đun sôi để nguội không tốt cho sức khỏe bởi loại nước này là môi trường axit - một trong những điều kiện để tế bào ung thư phát triển.

Thông tin này đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều và khiến cho nhiều người trở nên hoang mang, lo lắng về việc uống nước đun sôi để nguội liệu có thực sự có hại cho sức khỏe. Bởi hiện nay, hầu như các gia đình Việt Nam đều có thói quen đun nước sôi để nguội rồi uống. Không những thế, với tâm lý tiết kiệm, nhiều người còn đổ nước đã đun sôi vào bình và lưu trữ uống dần ngày này qua ngày khác.

nước đun sôi có vi khuẩn

Sau 2 giờ, nước đun sôi đã có vi khuẩn

Theo Trí Thức Trẻ, ngày 24/10, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết uống nước đun sôi để nguội tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nước đun sôi để nguội từ ngày này qua ngày khác không còn tốt cho sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, khoa Sức khỏe môi trường và Sức khỏe trường học Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, đun sôi nước là dùng nhiệt để tiêu diệt hoàn toàn vi sinh vật, ký sinh trùng gây ô nhiễm.

Vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt khi nước đun sôi ở nhiệt độ 100oC. Tuy nhiên, nước đun sôi để nguội lâu ngày sẽ dễ tái nhiễm môi trường không khí xung quanh như bụi, vi sinh vật…

“Nước đun sôi để nguội trên hai giờ thì vi khuẩn sẽ xuất hiện trở lại. Sau 24 giờ, lượng vi khuẩn tăng lên nhiều lần.

Nếu đổ lẫn nước đun sôi mới vào nước đun sôi đã để nguội hoặc nước đun sôi để nguội lâu ngày sẽ nhân số lượng vi khuẩn nhanh chóng và có thể gây hại cho cơ thể” - bà Vân Anh lưu ý.

Theo đó, nước đun sôi để nguội vừa tốt vừa tiện lợi, chi phí lại thấp nên phù hợp với nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ nên uống nước đun sôi để nguội trong ngày, không nên để qua hôm sau hoặc lâu hơn.

Cũng đề cập đến vấn đề này, BSCK II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM chia sẻ với báo giới rằng, không thể phủ nhận những tác hại của việc cất trữ nước quá lâu. Nước đun sôi để nguội lâu ngày sản sinh ra một lượng muối nitrat - chất gây tổn hại đến nhiều tế bào trong cơ thể. Cụ thể, mỗi lít nước có thể sản sinh ra 0,004mg muối nitrat, để sau 3 ngày - lượng muối này là khoảng 0,011mg và sau 20 ngày lên tới 0,73mg.

Nước đun sôi để nguội nên sử dụng trong ngày.

Nước đun sôi để nguội nên sử dụng trong ngày. Ảnh: Vân Anh

Bên cạnh việc sản sinh ra muối nitrat, lượng oxy trong nước đun sôi để nguội cũng dần bốc hơi, những vật hữu cơ bị phân giải dần và vật vô cơ lắng xuống. Do đó, càng để lâu, những chất có lợi trong nước sẽ càng giảm xuống, thay vào đó, hàm lượng chất vô cơ, kim loại nặng tăng lên, đe dọa đến sức khỏe.

Ngoài ra, không ít người có thói quen đổ nước cũ và nước mới với nhau sau khi đun. Hành động này vô tình sẽ càng nhân số lượng vi khuẩn của nước tăng lên nhanh chóng, dễ sinh ra nấm mốc, gây hại cho cơ thể người.

Cách bảo quản và sử dụng nước đun sôi đúng cách

- Nước đun sôi để nguội cần được bảo quản sạch sẽ. Nên sử dụng chai thủy tinh, sành, sứ, nhựa nguyên sinh, kim loại có xuất xứ rõ ràng để đựng nước.

- Vệ sinh, súc xả vật dụng chứa nước đun sôi để nguội hàng ngày.

- Nước đun sôi để nguội cần để trong khu vực sạch sẽ, dụng cụ chứa nước đạt tiêu chuẩn y tế, tránh chứa nước bằng các loại nhựa tái sinh. Để đảm bảo an toàn, tốt nhất nên bảo quản nước sôi để nguội trong bình kín, có vòi xả.

- Trường hợp nước đóng chai sau khi người dùng đã chạm miệng nhưng không uống hết thì nên bỏ đi hoặc vệ sinh chai sau đó cho nước vào uống tiếp. Bạn chỉ nên uống hết trong vòng 24 giờ, tránh để vi khuẩn xâm nhập lại.

- Bạn hãy uống vài ngụm nước ấm trước khi ngủ để ngủ ngon hơn, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe của bản thân, tránh gây tình trạng mất nước, các hệ cơ quan hoạt động uể oải, về lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe. 

Thanh Yến (T/h)
Theo Đời sống Plus