Lực sĩ cử tạ Lê Văn Công đã mang về cho đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam 2 HCV hạng -49kg nam, khi đạt mức tạ 168kg và tổng cử là 496kg. 2 HCV Para Games 2023, Lê Văn Công đã khẳng định vị thế số 1 trên đấu trường khu vực suốt 16 năm, kể từ lần đầu anh giành HCV tại Para Games 2007.
Kiếm 200 đồng từ những trang đánh máy
Bị chứng teo tóp chân từ nhỏ, do mẹ bị sốt xuất huyết khi mang thai, nhưng Lê Văn Công luôn thể hiện nghị lực chiến thắng số phận. Do hoàn cảnh ở quê nhà Hà Tĩnh khó khăn, năm 2005 khi 19 tuổi, Lê Văn Công xin phép gia đình vào TP.HCM học nghề và gia nhập CLB hướng nghiệp dành cho người khuyết tật.
Ổn định chỗ ăn chỗ ngủ xong thì tiền xe, tiền mua sách vở… vốn ít ỏi mang theo gần như hết sạch. Lúc ấy ngoài giờ học, Công xin chà giấy nhám ở các xưởng mộc, để kiếm tiền sinh hoạt.
Ra trường, Lê Văn Công vừa tiếp tục học thêm khóa chỉnh sửa hình ảnh trên vi tính ở CLB khuyết tật trẻ, vừa nhận các văn bản về đánh máy kiếm thêm, với mức thu nhập 200 đồng cho một trang (2 mặt) giấy đánh được.
"Lúc đầu tôi cũng xin làm qua đủ nghề, nhưng nhiều người nhìn mình rồi lắc đầu. Mình biết năng lực của mình có thể làm tốt hơn nhiều người, nhưng họ thấy khuyết tật nên họ chê, cũng không trách họ được. May sau có anh bạn mở xưởng sửa chữa, lắp ráp điện tử rủ mình vào làm, tôi đã gắn bó luôn tới giờ", anh Công chia sẻ.
Lực sĩ Lê Văn Công vượt qua số phận để giành vinh quang. Ảnh: Thái Dương.
Đổi đời nhờ thể thao
Được HLV Nguyễn Hồng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao Tân Bình (TP.HCM), phát hiện khi tìm VĐV bổ sung cho đội thể thao người khuyết tật, Lê Văn Công nhanh chóng được ông Phúc nhận ra những tố chất của một VĐV nhiều tiềm năng.
Sau chiếc HCB toàn quốc năm 2005, Công tiếp tục theo con đường học hành, đến 2007 anh lấy HCV giải châu Á và HCB giải vô địch cử tạ mở rộng thế giới
Tại Para Games năm 2009, Công bước lên bục cao nhất và lập kỷ lục với thành tích 165 kg. Trong khoảng thời gian đó, Công còn có thêm một số thành tích khác, tiêu biểu là chiếc HCB giải cử tạ vô địch thế giới.
Đáng tiếc, khi sự nghiệp đang hồi "thăng hoa" Công gặp phải tai nạn xe máy, bị chấn thương khá nặng ở vai (khớp cơ chính) phải nghỉ gần 3 năm. Những tưởng cuộc đời VĐV của Công đến đây chấm hết, nhưng với niềm đam mê và quyết tâm, Công cố gắng tập luyện để rồi có sự trở lại vô cùng ngoạn mục.
Anh chia sẻ: "Tôi luôn coi mọi trở ngại, trong đó có cả chấn thương chính là động lực để mình cố gắng chiến thắng bản thân. Trước khi thắng đối thủ, mình phải thắng bản thân mình trước".
Với chiếc HCV Para Games 2014, HCB thế giới tháng 4/2014 và chiếc HCV danh giá, Lê Văn Công phá kỷ lục thế giới tại Đại hội thể thao người khuyết tật Châu Á tháng 10/2014 ở Hàn Quốc. Anh nâng thành công 181,5kg, vượt qua kỷ lục thế giới (181kg) mà vận động viên Yakubu Adesokan (Nigeria) từng lập được ở giải vô địch thế giới vào tháng 4/2014 tại Dubai. Đây là nỗ lực phi thường trong cơ thể Công chỉ 49 kg.
Tuy nhiên, anh không cho phép anh hài lòng với những gì mình đã đạt được và tiếp tục đọat tấm HCV giải vô địch châu Á cuối tháng 7/2015 tại Almaty (Kazakhstan).
Với thành tích 182kg, Công phá luôn kỷ lục thế giới 181,5kg do chính mình lập tại Đại hội thể thao châu Á. Thành tích này giúp Lê Văn Công đạt chuẩn A để tham dự Paralympic 2016 tại Brazil.
Đây là giải đấu đưa anh trở thành cái tên đi vào lịch sử, khi giành tấm HCV Paralympic Rio 2016 với thành tích 183kg - kỷ lục Paralympic tính tới lúc này. Đến Paralympic Tokyo 2020, dù bị chấn thương nhưng anh vẫn giành HCB với thành tích 173kg.
"Công rất cần cù, tự giác trong tập luyện, có ý chí vượt qua khó khăn và nhiệt huyết trong cuộc sống, cũng như thi đấu mà không phải VĐV nào cũng có được. Năm 2011, Công bị chấn thương vai nặng nghỉ gần 3 năm, nhiều VĐV gặp phải trường hợp vậy khó tiếp tục thi đấu chứ đừng nói gì quay lại với đỉnh cao, vì đó là nhóm cơ chính ảnh hưởng tới tập luyện. Vậy mà Công làm được và còn phá kỷ lục thế giới nữa", ông Phúc tự hào khi nói về học trò cưng Lê Văn Công.
Những thành tích ấn tượng giành được, Lê Văn Công cũng có số tiền thưởng kha khá, anh nhẩm tính đến nay cũng vài tỷ đồng. Anh đã tiết kiệm mua đất, xây nhà để an cư lạc nghiệp cùng gia đình nhỏ của mình tại Long An.
Công cũng không còn làm thuê mà chuyển sang sửa chữa, lắp ráp các thiết bị âm thanh tại nhà. Hoặc đôi khi tận dụng các phụ kiện âm thanh cũ, lắp ráp lại để bán cho những người không có tiền mua thiết bị mới. Công việc này giúp anh và gia đình thu nhập ổn định, trung bình 4 triệu đồng/tháng, không còn bấp bênh như trước.
Mái ấm bình dị nhưng ấm áp chính là động lực lớn giúp Công yên tâm chinh phục những nấc thang mới trong sự nghiệp. Những gì đã làm được, lực sĩ Lê Văn Công xứng đánh là nhà vô địch không chỉ trong thể thao mà cả trong cuộc sống.