Thứ sáu, 19/04/2024 | 17:08
RSS

Tuần đầu tổng kiểm soát xe cộ, tước hơn 4.600 bằng lái

Thứ bảy, 23/05/2020, 19:39 (GMT+7)

CSGT đã tước hơn 4.600 bằng lái, tạm giữ gần 16.000 phương tiện trong số hơn 100.000 trường hợp vi phạm giao thông trong tuần đầu tổng kiểm soát xe cộ.

Tuần đầu tổng kiểm soát xe cộ, tước hơn 4.600 bằng lái
Tuần đầu tổng kiểm soát xe cộ, tước hơn 4.600 bằng lái. Ảnh Trí thức trẻ

Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết trong tuần đầu ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, CSGT cả nước phát hiện, xử lý hơn 101.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 75,5 tỷ đồng, tước hơn 4.600 bằng lái, tạm giữ gần 16.000 xe cộ.

Trong đó, vi phạm chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường cấm, vi phạm tốc độ, nồng độ cồn. Đặc biệt, 5.283 lượt tài xế vi phạm nồng độ cồn, cao gấp 4,2 lần so với 7 ngày trước. Ngoài ra, cơ quan chức năng phát hiện 72 tài xế xe container, ôtô khách, xe máy vi phạm liên quan tới ma túy.

 Về trật tự an toàn giao thông, trong 7 ngày thực hiện tổng kiểm soát, cả nước xảy ra 185 vụ tai nạn, làm 74 người chết, 140 người bị thương. So với 7 ngày trước đó, tai nạn giao thông giảm 34%, số người chết giảm 52% và số người bị thương giảm 25%.

Sau gần 1 một tuần ra quân, ngày 20/5 là ngày có số tiền phạt thu được cao nhất với 13,444 tỉ đồng sau lực lượng CSGT đường bộ của Cục và địa phương đã kiểm tra, xử lý 13.200 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Các ngày còn lại số tiền cũng dao động khoảng 10 tỉ đồng tiền phạt.

Về số tiền nộp phạt, trao đổi với Lao Động ông Võ Thành Hưng – Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng hiện nay tiền nộp phạt trong vi phạm giao thông đã cân đối 100% vào ngân sách nhà nước. Các trường hợp vi phạm giao thông đều ra Kho bạc Nhà nước để nộp phạt. 

Theo đó, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương. Vấn đề này do Quốc hội quyết định. 

Còn lại 30% cho Bộ Công an để thực hiện chi cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các cơ quan trực thuộc. Thực hiện mua sắm tập trung một số phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ cần bảo đảm thống nhất, đồng bộ phục vụ công tác của lực lượng cảnh sát giao thông. Hỗ trợ cho các lực lượng trực tiếp xử phạt, đồng thời cũng hỗ trợ lại cho một số địa phương khó khăn mà có mức phạt thấp nhưng đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn. 

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN