Thứ sáu, 26/04/2024 | 04:44
RSS

Thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc 765 tỷ đồng, bồi thường 45 tỷ đồng

Thứ bảy, 23/05/2020, 07:41 (GMT+7)

Theo Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính tỷ lệ bồi thường trên doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc chỉ 6%.


Tỉ lệ bồi thường bảo hiểm xe máy bắt buộc khá thấp. Ảnh minh họa

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới năm 2019 đạt 3.590 tỉ đồng. Trong đó, xe ôtô là 2.825 tỉ đồng, xe máy là 765 tỉ đồng.

Trong khi đó số tiền bồi thường bảo hiểm ước tính 972 tỉ đồng. Trong đó, đã bồi thường cho các vụ tai nạn ôtô số tiền 927 tỉ đồng; xe máy là 45 tỉ đồng. Như vậy, tỷ lệ bồi thường cho xe máy trên tổng doanh thu là 6%. 

Ông Trần Nguyên Đán, Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính đánh giá mức này thấp nhất nếu so với tỷ lệ bồi thường 40-70% của các loại bảo hiểm phi nhân thọ khác. "Nếu thấp do ít tai nạn thì đáng mừng, nhưng nếu do người dân không nhận được bồi thường thì rất đáng buồn", Vnexpress dẫn lời ông Đán nói.

Với tỷ lệ bồi thường chỉ dưới 10%, biên lợi nhuận cao nên thực tế một số công ty bảo hiểm đang chi trả mức hoa hồng cho tổng đại lý lên tới 50%-60%, vượt quá mức tối đa 20% như Bộ Tài chính quy định.

"Để cạnh tranh thị phần, thay vì tìm cách nâng cao quyền lợi cho người mua thì các doanh nghiệp đã đẩy hoa hồng bán lên tới một nửa giá trị bảo hiểm để thu hút người bán" ông Đán lý giải.

Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng thừa nhận, mức trách nhiệm bồi thường hiện nay chưa theo kịp với chi phí gia tăng của dịch vụ y tế, sửa chữa phương tiện. Phí bảo hiểm được niêm yết nhưng chưa phản ánh đúng rủi ro của từng người, không dựa trên lịch sử tai nạn, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện. 

Về quy trình bồi thường bảo hiểm, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết tuỳ từng mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn mà có hướng xử lý khác nhau. Tuy nhiên, động thái đầu tiên là người dân cần gọi đến tổng đài doanh nghiệp và báo cáo về vụ tai nạn để họ có hướng xử lý và hướng dẫn cho chủ xe.

Với các vụ tai nạn không quá nghiêm trọng (ước tính thiệt hại dưới 10 triệu đồng), chủ xe không nhất thiết phải gọi công an mà có thể chụp ảnh hiện trường, nhờ người làm chứng. 

Ông Khánh cho hay trên thực tế khi xảy ra tai nạn, có trường hợp gọi cơ quan chức năng thì được trả lời hai bên nên tự thỏa thuận. Cũng có tình trạng chủ xe báo có tai nạn nhưng người của công ty bảo hiểm không đến ngay, theo Tuổi trẻ. 

"Thủ tục bồi thường bảo hiểm xe máy đúng là có vấn đề và cần sửa đổi bổ sung. Thực tế việc mua và bồi thường bảo hiểm có khó khăn nên người dân mới phản ảnh" - ông Khánh nhắc lại.

Để khắc phục căn cơ tình trạng này, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định 103 và sửa đổi Thông tư 22 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Theo đó, sẽ quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm theo hướng giảm gánh nặng thủ tục cho chủ xe, lái xe và tăng trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.

Mặt khác, căn cứ vào mức phí bồi thường để quy định thủ tục. Không nhất thiết tất cả các vụ việc phải đủ 5 loại giấy tờ, nhất là biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn của cơ quan chức năng, biên bản xác minh vụ tai nạn giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe…

"Nên chăng thủ tục rất đơn giản như không cần phải có biên bản khám nghiệm hiện trường với những vụ tai nạn có số tiền bồi thường dưới 10 triệu đồng/vụ" - ông Khánh cho hay.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC