Theo báo giao thông ngày 11/5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam Cục Cảnh sát giao thông và các đơn vị liên quan đã thực hiện rà soát lại phương án tổ chức giao thông, hệ thống biển báo trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để phục vụ công tác thí điểm 100% thu phí không dừng (ETC) các phương tiện di chuyển trên tuyến từ ngày 1/6/2022.
Việc thí điểm sẽ thực hiện tại 32/62 làn thu phí trên 6/6 trạm thu phí trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tại mỗi trạm BOT trên tuyến sẽ duy trì 1 làn thu phí thủ công một dừng để xử lý các phương tiện gặp sự cố trong quá trình thu phí như thẻ không được nhận diện.
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết, thu phí tự động không dừng là hình thức thu phí văn minh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thuận tiện cho tất cả lái xe và chủ phương tiện cũng như tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc giám sát doanh thu của các chủ đầu tư các dự án BOT.
Theo ông Huyện, việc thí điểm chỉ thu phí ETC trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tiền đề để mở rộng ra các tuyến cao tốc khác trong thời gian tới đây. Trong quá trình triển khai thí điểm, nếu thời gian đầu xảy ra ùn tắc kéo dài, trong những tình huống bất khả kháng, nhà đầu tư có toàn quyền xả trạm để giải phóng giao thông. Việc xả trạm thu phí BOT không ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà thu phí, cũng không làm thất thu. Các tình huống, phương án này đều đã có trong hợp đồng ký kết về phương án tài chính.
Tổng cục đường bộ đã chỉ đạo rà soát, xử lý các lỗi kỹ thuật của hệ thống thu phí điện tử không dừng trên tuyến để có phương án xử lý khắc phục trước khi tiến hành thí điểm. Để có phương án dự phòng cho đường truyền, Tổng cục đường bộ đã chỉ đạo đơn vị quản lý khai thác tuyến cao tốc là Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) khảo sát và triển khai đường truyền dự phòng bảo đảm tính dự phòng và việc truyền dữ liệu an toàn, thông suốt khi gặp sự cố đối với các đường truyền hiện nay.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: VietNamnet
Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam cũng thông tin thêm, đến thời điểm hiện tại đã đủ điều kiện pháp lý, kết cấu hạ tầng, tất cả các biển báo đã tuân thủ đúng các quy chuẩn kỹ thuật. Các phương tiện chưa đủ điều kiện khi di chuyển vào tuyến có thể dán thẻ ngay tại trạm hoặc nếu không muốn tham gia tuyến cao tốc bằng hình thức thu phí tự động không dừng, có thể quay lại lưu thông trên các tuyến đường quốc lộ 5 cũ và quốc lộ 38. Các xe không đủ điều kiện cố tình đi vào trạm sẽ xử phạt theo đúng Nghị định 100 và Quyết định 19 của Thủ tướng chính phủ.
Tổng cục đường bộ đề nghị các lái xe, chủ phương tiện chấp hành tốt thu phí tự động không dừng vì đây là hình thức thu phí văn minh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thuận tiện cho tất cả lái xe và chủ phương tiện cũng như tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc giám sát doanh thu của các chủ đầu tư các dự án BOT.
Chia sẻ trên báo Dân trí, ông Vũ Hữu Thành - Phó Tổng Giám đốc VIDIFI - cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Tổng cục đường bộ, đơn vị đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí và các đơn vị có liên quan xây dựng và ban hành phương án xử lý một số tình huống, sự cố trong quá trình thí điểm chỉ thu phí không dừng trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Về việc xử lý các vi phạm, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT - thông tin, đối với các phương tiện không dán thẻ thu phí không dừng hoặc có dán nhưng tài khoản không đủ để lưu thông mà cố tình đi vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ ngày 1/6 tới đây sẽ bị xử phạt nghiêm. Công tác xử phạt sẽ nghiêng về hình thức ghi hình phạt nguội để đảm bảo an toàn giao thông.
Nguồn tin trên VTV News cho biết, thống kê của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thu phí tự động VETC cho thấy, đến nay, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có khoảng 60% số phương tiện lưu thông sử dụng thu phí ETC, số còn lại vẫn sử dụng thu phí MTC (thu phí thủ công một dừng). Còn trên tuyến Pháp Vân - Ninh Bình, tỷ lệ này đạt 65%. Đến thời điểm này, khoảng 2,7 triệu phương tiện đã tham gia dịch vụ, chiếm khoảng 60% tổng số phương tiện trên toàn quốc.