Thứ sáu, 29/03/2024 | 00:18
RSS

Trời lạnh thế này, chị em sinh thường có biết cách giảm đau vết rạch tầng sinh môn?

Thứ năm, 23/11/2017, 14:27 (GMT+7)

Hầu hết chị em sinh thường đều phải trải qua giai đoạn rạch tầng sinh môn. Hy vọng bí quyết giảm đau vết rạch tầng sinh môn khi sinh thường dưới đây sẽ giúp chị em vượt qua nỗi đau "cắt da cắt thịt" này.

sản phụ làm gì để giảm đau vết rạch tầng sinh môn
Đa số các chị em thường phải rạch tầng sinh môn, vậy sau sinh nên làm gì để giảm đau?

Chia sẻ với PV Đời sống Plus, BS Tạ Hoàng Yến, Bệnh viện Việt Pháp cho biết, tầng sinh môn là phần mô giữa âm đạo và hậu môn, có chiều dài 3- 5cm. Thủ thuật rạch tầng sinh môn được thực hiện nhằm giúp bé chào đời nhanh chóng, tránh trường hợp sản phụ cố rặn làm rách tầng sinh môn không như ý. Bởi vết may tầng sinh môn bị rách có thể gây mất thẩm Mỹ cho phụ nữ sau sinh.

"Sau khi em bé ra đời, bác sĩ sẽ khâu vết rạch tầng sinh môn lại. Vết thương sẽ liền lại sau 1-3 tuần. Thời gian này, vết thương khá đau nên chị em có thể đi lại rất khó khăn. Vì thế, chị em cần biết một số cách chăm sóc vết thương và làm giảm thiểu mức độ đau do vết thương gây ra"- BS Yến nói.

Bác sỹ Yến cũng nhấn mạnh các mẹ nên hết sức chú ý vệ sinh vết rạch tầng sinh môn trong 3 ngày đầu, dùng dung dịch Povidine thấm ướt bông gòn, bôi nhẹ lên vết thương mỗi ngày một lần. Để giảm đau tầng sinh môn sau sinh BS Yến bật mí cho mẹ có thể thực hiện theo những cách sau.

Ngâm vùng kín trong nước ấm

Nước ấm sẽ giúp sản phụ giảm đau đớn và thư giãn rất hiệu quả. Mỗi ngày, mẹ thực hiện ngâm vùng kín vào nước ấm 3 lần, mỗi lần ngâm từ 5 - 10 phút. Đặc biệt, là sau mỗi lần đi tiểu, nước sẽ làm sạch nước tiểu bám vào vùng kín nên phần nào giảm đau đớn cho mẹ.

Nghỉ ngơi và hạn chế nằm ngửa

để giảm đau vết rạch tầng sinh môn không nên nằm ngửa
Để giảm đau vết rạch tầng sinh môn, chị em nên nghỉ ngơi và hạn chế nằm ngửa

Khi nghỉ ngơi, chị em nên nằm nghiêng tốt hơn vì có thể làm giảm bớt áp lực lên tầng sinh môn. Cố gắng không nên ngồi hoặc đứng quá lâu. Ngồi trên một chiếc gối mềm mại cũng rất có ích cho bạn.

Khi nằm ngửa, trọng lực của cơ thể sẽ dồn lực xuống vùng đáy chậu nên mẹ sẽ bị đau nhức, khó chịu. Vì thế, mẹ nên hạn chế nằm ngủ với tư thế ngửa mà tốt nhất nằm nghiêng vừa giúp máu lưu thông tốt hơn, vừa giảm đau đớn tầng sinh môn cho mẹ.

Chườm ấm hoặc chườm lạnh

Trong vòng 24 giờ đầu tiên sau sinh, chị em có thể chườm một túi nước đá vào khu vực tầng sinh môn có thể làm giảm sưng, đau.

Sau sinh từ 1-3 ngày, mẹ có thể dùng túi đá lạnh đặt ở khu vực hai chân gần đáy chậu khoảng 10-15 phút. Tuy nhiên khi thời tiết lạnh, mẹ nên dùng khăn ấm để chườm nóng cũng có tác dụng giảm đau tương tự, đồng thời giúp vết khâu tầng sinh môn mau chóng bình phục.

Nhờ sự hỗ trợ của thuốc giảm đau

Trong trường nếu vết khâu tầng sinh môn gây đau đớn quá mức chịu đựng, chị em hãy xin bác sỹ kê thuốc giảm đau, có thể dùng thuốc giảm đau dạng nhét hậu môn hoặc thuốc gây tê dạng xịt hoặc cả dạng uống. Chị em cũng yên tâm vì bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc giảm đau mà không ảnh hưởng đến việc cho con bú. Tuyết đối không được tự ý mua và sử dụng các loại thuốc giảm đau không được kê đơn.

để giảm đau vết rạch tầng sinh môn dùng thuốc giảm đau
Nếu vết khâu tầng sinh môn gây đau đớn quá mức chịu đựng, chị em hãy cậy nhờ sự hỗ trợ của thuốc giảm đau

Các biện pháp hỗ trợ khác

Ngoài việc thực hiện các phương pháp trên để giảm đau nhanh, chị em nên lưu ý các phương pháp bổ trợ khác để công cuộc giảm đau sau sinh thuận lợi hơn như: Không nên mặc quần áo bó sát, thay băng vệ sinh (bỉm) thường xuyên, vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi ngày, ăn nhiều rau củ và chất xơ, uống nhiều nước, không mang vác, làm việc nặng và vận động mạnh... 

Bác sỹ Yến cũng lưu ý chị em không nên kiêng cữ thiếu khoa học: "Nếu không tắm thì mẹ cần lau người bằng nước ấm và thay rửa đều đặn để giữ vệ sinh cơ thể. Nếu tắm nên tắm nhanh, không được ngâm mình quá lâu trong bồn tắm, nên tránh những nơi có gió lùa mạnh và phải tắm bằng nước ấm, mặc quần áo dài tay"- BS Yến nói.

Một vấn đề tế nhị mà BS Yến nhấn mạnh nữa là các chị em phải kiêng quan hệ với chồng trong vòng 4 – 6 tuần để vết khâu tầng sinh môn lành hẳn. Trong những lần quan hệ đầu tiên sau sinh cũng phải hết sức nhẹ nhàng.

Việc cẩn trọng chăm sóc vết thương tầng sinh môn cực kỳ quan trọng, vì nếu vệ sinh không đúng cách hoặc không làm vệ sinh vết thương, sẽ gây nhiễm trùng, khó điều trị và đau đớn hơn.

Bác sỹ Yến cũng cho biết thêm, nếu chị em nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào như sốt, ớn lạnh, đau, sưng đỏ; ra dịch hôi hoặc chảy máu ở tầng sinh môn... cần phải đi khám ngay vì rất có thể đây là dấu hiệu nhiễm trùng.

Nguyễn Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN