Sản phụ Hải Phòng đẻ rơi con trên ô tô đang được chăm sóc tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng.
Sáng 13/12/2018, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng tiếp nhận ca đẻ rơi trên xe ô tô của gia đình. Sản phụ là chị Lưu Thị Đài T (sinh năm 1991, ở tại Thượng Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng) đã đẻ rơi trên xe ô tô gia đình do chồng lái từ Hà Nội về Hải Phòng.
Sản phụ T cùng bé gái mới sinh được các bác sĩ, điều dưỡng khoa Khám bệnh tiếp nhận, cắt rốn cho cháu bé tại xe, chuyển hai mẹ con lên khoa Đỡ đẻ an toàn.
Trao đổi với phóng viên sau ca “tự mình vượt cạn”, sản phụ T cho biết: thai lần 1, chị đã sinh cháu tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Quá trình chuyển dạ và sinh con lần 1 kéo dài suốt 24 tiếng, chị được sinh con bằng kỹ thuật đẻ không đau.
Có thai lần 2, dù vợ chồng chị sống và làm việc tại Hà Nội nhưng anh chị vẫn muốn được sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Vì vậy, sáng hôm đó, khi thấy đau bụng biết mình chuyển dạ, nhưng vì nhớ lần sinh trước, quá trình chuyển dạ kéo dài gần 24 tiếng nên anh chị quyết định về Hải Phòng để sinh.
Trên đường từ Hà Nội về Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cơn co tử cung tăng dần lên, anh động viên chị cố nhịn, nhưng về gần đến Bệnh viện, cơn co tử cung dồn dập, cổ tử cung mở hết, chị đã sinh bé gái trên xe. Rất may, khi bé gái chào đời cũng là lúc xe anh đưa chị về đến cổng Bệnh viện. Được các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện hỗ trợ kịp thời, chị và bé gái đã an toàn.
Theo các chuyên gia sản khoa, thời gian chuyển dạ sinh con lần đầu trung bình kéo dài từ 6 đến 12 giờ, nhưng sinh con lần 2, lần 3… thời gian chuyển dạ sẽ nhanh hơn bởi âm đạo đã co giãn tốt hơn, vì vậy sản phụ không nên chủ quan. Hãy đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu chuyển dạ để được sự hỗ trợ của nhân viên y tế, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra cho mẹ và bé.
Những dấu hiệu chuyển dạ mẹ bầu cần biết
Bụng bầu tụt xuống thấp: Đây là dấu hiệu cho mẹ biết bé sẽ chào đời trong khoảng 1-2 tuần tới. Nhiều mẹ bầu còn cảm nhận rõ đầu bé đã lọt xuống khung xương chậu và sau đó vài ngày, bé con sẽ chào đời.
Cảm thấy đau mỗi khi bụng gò cứng: cơn gò cứng bụng mỗi lúc càng dày hơn và đau tăng.
Dịch nhầy âm đạo thay đổi màu sắc và độ kết dính: Vài ngày trước khi sinh, âm đạo thường tiết dịch nhiều hơn và có thể đặc hơn một chút, thậm chí pha lẫn vệt máu nhạt, có mùi nồng. Đó là do nút nhầy có tác dụng bịt kín cổ tử cung để ngăn ngừa viêm nhiễm đã bong ra.
Đi tiểu thường xuyên hơn: Khoảng 2 tuần trước sinh, do đầu của thai nhi đã nằm sát bàng quang nên mẹ sẽ thường xuyên cảm thấy buồn tiểu và có thể đi tiểu nhiều lần trong 1 giờ.
Cổ tử cung mỏng, giãn nở: Cổ tử cung thường có khuynh hướng giãn nở và mỏng dần trước sinh khoảng vài ngày, thậm chí vài tuần, để chuẩn bị cho quá trình sinh nở.
Những cơn co thắt tử cung thường xuyên hơn: Mẹ cần chú ý đặc biệt đến những cơn co thắt ở tử cung xuất hiện cách ngày dự sinh 1 – 2 tuần. Tuy nhiên, mẹ cần phân biệt dấu hiệu chuyển dạ với những cơn co chuyển dạ giả, thường xuyên xuất hiện trong suốt quý cuối của thai kỳ.
Clip: Sản phụ đẻ rơi con trên ô tô về quê.