Thứ ba, 16/04/2024 | 19:54
RSS

Trẻ suy dinh dưỡng thường dễ bị mắc sởi và bị biến chứng nặng hơn

Thứ bảy, 11/11/2017, 19:37 (GMT+7)

Bệnh sởi tiến triển nặng ở những trẻ có tình trạng dinh dưỡng kém, đặc biệt là trẻ thiếu vitamin A, trẻ suy dinh dưỡng hoặc có hệ thống miễn dịch suy giảm.

Trẻ bị suy dinh dưỡng dễ bị mắc sởi
Có phải trẻ bị suy dinh dưỡng dễ bị mắc sởi hơn trẻ bình thường?

Theo TS.BS Phan Bích Nga- Giám đốcTrung tâm Khám Tư vấn Dinh Dưỡng trẻ em - Viện Dinh Dưỡng quốc gia thì trẻ suy dinh dưỡng thường dễ bị mắc sởi và bị biến chứng nặng hơn so với trẻ được nuôi dưỡng tốt và ngược lại

Nguyên nhân trẻ suy dinh dưỡng thường dễ bị mắc sởi và bị biến chứng nặng hơn

Ở trẻ suy dinh dưỡng, hệ thống phòng vệ tự nhiên của cơ thể bị suy yếu: lượng kháng thể IgA giảm nhiều do đó khả năng miễn dịch tại niêm mạc giảm, trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính, viêm tai giữa cấp tính; các tế bào lympho B cũng bị suy yếu, năng lực sản xuất các globulin miễn dịch để  chống lại các tác nhân vi sinh vật gây bệnh suy giảm; tế bào lympho T bị hư biến nghiêm trọng do tuyến ức bị teo; số lượng tế bào lympho T và B, tuần hoàn giảm rõ rệt; hệ thực bào và hệ bổ thể cũng  bị rối loạn...

Do vậy  trẻ suy dinh dưỡng  dễ bị nhiễm khuẩn hơn trẻ bình thường, đặc biệt là hai bệnh tiêu chảy và viêm phổi.

Trẻ bị mắc sởi dễ bị suy dinh dưỡng
 Trẻ suy dinh dưỡng  dễ bị nhiễm khuẩn hơn trẻ bình thường. Ảnh minh họa

Trẻ bị suy dinh dưỡng có thể do nuôi dưỡng không tốt và cũng có thể là hậu quả của một bệnh nhiễm khuẩn, và rồi lại có thể mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác.

Trẻ suy dinh dưỡng thường thiếu nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin A, C - những vitamin này có vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, miễn nhiễm, chống  ôxy hoá, phát triển tế bào biểu mô, hậu quả là chức năng bảo vệ của da và niêm mạc bị giảm sút, trẻ dễ bị quáng gà, khô mắt, tiêu chảy, viêm đường hô hấp, dễ mắc sởi.

Ngược lại trẻ bị mắc sởi dễ bị suy dinh dưỡng, thậm chí suy dinh dưỡng nặng hơn trẻ bình thường

Sởi là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền rất mạnh, xảy ra quanh năm, cao nhất vào mùa xuân và thường hay gây thành dịch.

Virus sởi gây bệnh cho người trực tiếp qua đường hô hấp và qua đường kết mạc mắt.

Trẻ không được tiêm phòng hoặc tiêm phòng sởi không đầy đủ, đặc biệt trẻ bị suy dinh dưỡng thường dễ bị mắc sởi và dễ bị biến chứng nặng.

Ngược lại, trẻ bị mắc sởi lại dễ bị suy dinh dưỡng, thậm chí suy dinh dưỡng nặng thêm, vì trẻ chán ăn, ăn kém do viêm niêm mạc miệng, nhiễm nấm Candida hoặc Herpes.

Vậy trong quá trình điều trị bệnh sởi, cần phải chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ.

Trẻ bị mắc sởi thường  suy giảm sức đề kháng, và giảm hấp thu các chất dinh dưỡng, do vậy nếu không chăm sóc dinh dưỡng tốt trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng hơn trẻ bình thường.

Trẻ bị suy dinh dưỡng dễ bị mắc sởi hơn trẻ bình thường
 Trong quá trình điều trị bệnh sởi, cha mẹ cần phải chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ

Những lưu ý khi trẻ bị sởi

 TS.BS Phan Bích Nga nhấn mạnh khi trẻ bị sởi cần cho trẻ ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm chú trọng đủ 4 nhóm: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và chất khoáng, không quá kiêng khem để bù lại các chất dinh dưỡng mất đi (đặc biệt là năng lượng và protein) do quá trình nhiễm trùng và tiến triển bệnh.

Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm cho trẻ bằng đường uống nhưng phải theo hướng dẫn của bác sỹ. Phải bổ sung vitamin A. Bổ sung vitamin A đã được một số nghiên cứu chứng minh làm giảm 50% trường hợp tử vong do bệnh sởi.

Thu Trang (ghi)
Theo Đời sống Plus/GĐVN