Ảnh minh họa.
Theo thống kê từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 5 đến 11/9, toàn thành phố ghi nhận 2.579 ca bệnh sốt xuất huyết mới (gồm 1.194 ca nội trú và 1.385 ca ngoại trú), giảm 11,9% ca so với trung bình 4 tuần trước (2.928 ca), số ca nội trú giảm 21,8% và ngoại trú giảm 1,2%.
Trong đó, 17/22 quận, huyện có số mắc sốt xuất huyết giảm so với trung bình 4 tuần trước và 5/22 quận, huyện có số mắc trong tuần tăng so với trung bình 4 tuần trước. Số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy đến tuần 37 là 54.026 ca (29.801 ca nội trú và 24.225 ca ngoại trú), tăng 536,7% so với cùng kỳ năm 2021 là 8.485 ca.
Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh vừa ghi nhận 2 ca mắc sốt xuất huyết tử vong. Như vậy, số ca sốt xuất huyết tử vong từ đầu năm đến nay tại TP này là 21 ca, tăng 17 ca so với cùng kỳ năm 2021 (4 ca).
Liên quan đến dịch sốt xuất huyết, trước đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) nhận định, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sống tại các khu vực gần với con người sinh sống. Muỗi vằn đẻ trứng tại những nơi có nước đọng (các lu/ vại/ thùng/ chai lọ/ xô/ chậu/ rác thải/ lốp xa,…).
Trứng muỗi sẽ nở khi gặp nước và có thể chịu được điều kiện rất khô, sống trong nhiều tháng. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh đã bước vào mùa mưa, mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết hằng năm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển.
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, hiện nay bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Để chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, người dân cần chủ động phòng chống, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ để muỗi không vào đẻ trứng; lật úp các dụng cụ không chứa nước; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Đặc biệt, khi sốt phải đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Dịch sốt xuất huyết bùng phát theo mùa, có tính chất chu kỳ. Thời tiết thời gian qua nóng ẩm, kèm nhiều mưa là điều kiện thích hợp để loăng quăng, bọ gậy phát triển.