Thứ sáu, 19/04/2024 | 21:40
RSS

TP HCM ghi nhận 2.532 ca bệnh sốt xuất huyết chỉ trong 1 tuần.

Thứ tư, 31/08/2022, 08:58 (GMT+7)

TP HCM ghi nhận 2.532 ca bệnh sốt xuất huyết chỉ trong 1 tuần. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 48.756 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, tăng gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2021.


Ảnh minh họa.

Chiều 30/8, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết giảm 21% so với 4 tuần trước đó, nhưng vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ năm 2021.

Theo thống kê Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tính đến tuần 35 (từ ngày 22/8 đến 28/8) Thành phố ghi nhận 48.756 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, số ca sốt xuất huyết nặng là 947 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc đến tuần 35 là gần 2%, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 18 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Hầu hết các quận, huyện đều có số mắc giảm so với số mắc trung bình 4 tuần trước. Theo đó, Thành phố ghi nhận 2.532 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 21% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca nội trú giảm gần 34% và ngoại trú giảm gần 7%.

Thành phố không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tuy nhiên, ghi nhận 165 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 98 phường, xã thuộc 19/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức và tăng 17 ổ dịch mới so với tuần 34. 

Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 330 ổ dịch và có 4 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 401 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 170 phường, xã thuộc 22/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Liên quan đến tình hình dịch sốt xuất huyết, từ đầu tháng 7, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai chức năng phản ánh điểm nguy cơ phát sinh lăng quăng, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trên ứng dụng (app) y tế trực tuyến.

Khi phát hiện những hộ gia đình, khu vực để đọng nước có thể gây phát sinh, lăng quăng muỗi truyền bệnh, người dân nhanh chóng phản ánh lên ứng dụng để chính quyền biết và xử lý theo đúng quy định.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, đối với dụng cụ chứa nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, hãy nhớ nguyên tắc ngăn cản muỗi tiếp xúc với nước bằng cách dùng giải pháp che, đậy kín vật chứa bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được.

Đối với dụng cụ chứa nước mà không thể che đậy hoặc vệ sinh thay nước thường xuyên, có thể sử dụng thiên địch của ấu trùng muỗi. Thả các loài động vật ăn lăng quăng như cá bảy màu, cá lia thia, bọ nước (mesocyclops) … vào các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt lăng quăng.

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại