TP. HCM đã có 3 bệnh nhân tử vong vì cúm A/H1N1. Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang điều trị cách ly cho 7 bệnh nhân. Ảnh: L.P - VnExpress
Bệnh nhân xấu số là ông N.T.V (46 tuổi, sống ở quận Bình Tân, TP.HCM) đã mất tại nhà sau khi gia đình xin cho bệnh nhân về.
Trước đó ông V. có những triệu chứng nhiễm cúm A/H1N1 như ho, sốt, viêm họng, sổ mũi... nhưng không đến BV ngay mà tự điều trị tại nhà.
Đến khi tình trạng ngày một nặng hơn, bệnh nhân mới được người nhà đưa đi cấp cứu nhưng lúc này đã suy hô hấp, viêm phổi phải thở máy. Bệnh nhân bị béo phì nên việc điều trị gặp nhiều bất lợi.
Sau hơn hai ngày điều trị nhưng tình hình không cải thiện, bệnh nhân được BV cho về theo nguyện vọng của gia đình vào ngày 24/6 và đến nay đã tử vong, theo thông tin trên VTC News.
Như vậy, đây là trường hợp thứ 2 nhiễm cúm A/H1N1 tại BV Chợ Rẫy tử vong, tuần trước bệnh viện cũng có một bệnh nhân tử vong vì viêm phổi, suy hô hấp, suy thận mạn giai đoạn cuối, nhiễm cúm A/H1N1.
Trước đó, trường hợp tử vong vì cúm A/H1N1 đầu tiên tại TP. HCM vào ngày 30/5 là một phụ nữ 26 tuổi ngụ quận Thủ Đức, thể trạng béo phì. Bệnh nhân này cũng trải qua quá trình tự điều trị tại nhà nhưng không khỏi.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trên VnExpress, khoa đang điều trị cho 7 bệnh nhân cúm A/H1N1, trong đó có 3 trường hợp phải thở máy. Những bệnh nhân này vốn đang mắc các bệnh nền nghiêm trọng, khiến cúm diễn tiến nặng hơn.
Đây là những người bị lây nhiễm H1N1 tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 11/6. Ổ dịch này được xác định 12 người dương tính virus cúm A/H1N1, hàng chục người khác nghi ngờ bệnh nhưng nhẹ và dễ dàng qua khỏi.
Bác sĩ Hùng khuyến cáo những người có yếu tố nguy cơ như trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch... nên chích ngừa cúm định kỳ hàng năm.
Để phòng cúm, nên hạn chế tập trung chỗ đông người, đặc biệt nơi có người mắc cúm, nghi ngờ cúm. Người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân phải đeo khẩu trang. Rửa tay thường xuyên với xà phòng, thuốc sát khuẩn nhanh. Nên súc họng, vệ sinh hầu họng thường xuyên.