Thứ ba, 23/04/2024 | 17:14
RSS

TP.HCM: 400 trẻ nằm chen nhau trên 140 giường vì bệnh đường hô hấp

Thứ năm, 29/10/2020, 10:39 (GMT+7)

Chỉ trong một thời gian ngắn, số trẻ nhập viện vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng vọt tại các bệnh viện nhi đồng của thành phố. 2-3 trẻ nằm ghép một giường, trẻ nằm la liệt trên giường xếp ngoài hành lang không còn là chuyện hiếm.

Sự kiện:
TP.HCM

400 trẻ nằm chen nhau trên 140 giường vì bệnh đường hô hấp

Phụ huynh bế trẻ xếp hàng chờ khám ở Bệnh viện Nhi đồng 1.

Trẻ nhập viện tăng đột biến

BSCKII Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, trung bình những ngày gần đây khoa Khám bệnh tiếp nhận từ

4.000-6.000 bệnh nhi đến khám, trong đó trẻ mắc các bệnh hô hấp chiếm từ 15%-20%. Các bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm mũi xoang dị ứng, hen suyễn... có khuynh hướng gia tăng.

"Số lượng bệnh nhi hô hấp gia tăng trong thời điểm này mang tính chất chu kỳ hàng năm, cộng với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và các cơn bão khiến các tỉnh miền Nam mưa nhiều, nhiệt độ giảm làm một số vi khuẩn và siêu vi phát triển, gây bệnh cho trẻ nhỏ", bác sĩ Phạm Văn Hoàng lý giải. Những trường hợp nhập viện điều trị nội trú đa phần là trẻ mắc bệnh hô hấp nặng như viêm phổi, viêm tiểu phế quản.

So sánh với số liệu của tháng 9 thì đến tháng 10, bệnh nhi đến khám các bệnh hô hấp đã tăng gấp 3 lần. Riêng tại Khoa Hô hấp, số lượng bệnh nhi tăng cao rõ rệt ở cả nội trú lẫn ngoại trú. Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, hàng năm ở các tỉnh phía Nam, vào các tháng 8 -11 là đỉnh điểm của bệnh liên quan đến đường hô hấp. Do đó, vào thời điểm này các bệnh viện nhi thường rơi vào tình trạng quá tải.

Ghi nhận tại khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, số trẻ đế khám và điều trị tăng đột biến. Đặc biệt, tại khoa này cũng rơi vào tình trạng quá tải khi trong khoa chỉ có 140 giường bệnh nhưng lại có tới 400 bệnh nhi nằm điều trị, các giường bệnh đều có từ 2-3 bệnh nhi nằm ghép, trong khi đó, không ít trẻ phải nằm trên các giường xếp tạm do phụ huynh tự chế hoặc nằm hành lang. Nhập viện đã 2 ngày nhưng con gái của chị Trần Thị Hồng (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) vẫn chưa thể có giường bệnh, 2 mẹ con đành nằm tạm ở hành lang. Chị chia sẻ: "Con tôi được chỉ định nhập viện vào phòng 201, cũng có số giường đàng hoàng, nhưng khi đưa con vào đã có 2-3 bé nằm rồi, mình không còn chỗ, thế là đành phải đưa con ra đây".

Song song đó, những nhóm bệnh dị ứng của bệnh hô hấp cũng tăng như viêm mũi xoan dị ứng, đặc biệt trẻ mắc bệnh về hen suyễn cũng dễ bị lên cơn và phải nhập viện cấp cứu. "Trong phòng cấp cứu có hơn 30 trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, phải thở oxy. Đây cũng là con số kỷ lục trẻ thở máy từ đầu mùa tới nay", Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 thông tin thêm.

ThS Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng cho biết, số trẻ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 tăng cao trong những ngày gần đây.

Theo bác sĩ Thu, so với mọi năm thì thời gian này chưa phải là đỉnh của bệnh hô hấp nhưng có thể do thời tiết những ngày qua thay đổi, mưa liên tục nên đã làm số trẻ mắc bệnh hô hấp đến khám, nhập viện tăng cao. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 số trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện điều trị tăng hơn gấp đôi so với đợt sau mùa dịch covid-19 số lượt khám chữa bệnh tăng mạnh từ 8.075 đến 8.237 ca/ngày, gần bằng ngày cao điểm nhất của tháng 9/2019. Các bệnh khiến trẻ đi khám nhiều nhất là viêm mũi họng, viêm phế quản cấp, viêm tiểu phế quản, viêm họng, viêm phổi...

400 trẻ nằm chen nhau trên 140 giường vì bệnh đường hô hấp

2-3 trẻ phải nằm ghép một giường tại khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1.

Lưu ý các triệu chứng đặc biệt

Theo BS Trần Anh Tuấn, khi trẻ có những dấu hiệu nguy hiểm sau đây cần đưa đi cấp cứu ngay: Trẻ ngủ li bì, khó đánh thức, trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi bỏ bú, bú kém bú ít hơn 1/2 lượng sữa bình thường, trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên không uống được, nôn tất cả mọi thứ, co giật. Một số triệu chứng như tím tái cần phải đưa đi cấp cứu ngay.

Ngoài ra khi trẻ khó thở (thở co lõm lồng ngực), đây là dấu hiệu của viêm phổi nặng phải đưa trẻ đi khám ngay. Hoặc là trẻ thở nhanh, báo hiệu có khả năng bị viêm phổi nên cần đưa trẻ đi khám để điều trị kịp thời.

Có một số triệu chứng đặc biệt cần để ý như trẻ sốt cao trên 39 độ C liên tục trong 2-3 ngày trở lên, phải thu xếp đưa trẻ đi khám vì mùa này không chỉ mắc bệnh hô hấp mà có cả những bệnh như sốt xuất huyết sốt siêu vi... Nếu trẻ ho trên 7 ngày không thuyên giảm, ho kèm với những triệu chứng khác như ho có đàm giống như mủ, ho ra máu... cũng cần đưa trẻ đi khám sớm.

Để phòng bệnh, BS Trần Anh Tuấn khuyến cáo, phụ huynh cần linh hoạt bảo vệ trẻ trước thay đổi tiêu cực của thời tiết (cần tránh mưa, gió lùa, mặc ấm cho trẻ; khi trời nóng cần sử dụng các phương tiện giải nhiệt hợp lý như không để luồng gió quạt máy, máy lạnh thổi thẳng vào người trẻ). Bên cạnh đó, người chăm sóc trẻ và trẻ cần rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, hạn chế nơi đông người, tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu bệnh. Khi trẻ mắc bệnh, cần chăm sóc và theo dõi sát sao, chỉ cho trẻ đi học lại khi điều trị hết bệnh.

Về biện pháp lâu dài, cần đưa trẻ tiêm chủng đầy đủ, nâng cao sức đề kháng bằng cách tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin, uống nhiều nước, tránh khói thuốc lá... Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cần cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ để tăng cường hệ miễn dịch.

Bạch Dương
Theo Dân Việt