Đứng đầu danh sách top phim điện ảnh về Bác Hồ nhất định phải xem là "Hẹn gặp lại Sài Gòn". Đây là bộ phim đầu tiên và cũng là thành công nhất về đề tài Hồ Chí Minh. Bộ phim của đạo diễn Vân Long được sản xuất vào năm 1990 nhân dịp kỉ niệm 100 năm sinh nhật Bác.
Bộ phim kể lại những năm tháng tuổi trẻ của Bác Hồ cùng gia đình sống và học tập ở Huế. Trước cảnh nước mất nhà tan, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã nung nấu hoài bão đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi nô lệ của thực dân. Trước khi lên tàu bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã để lại lời hẹn ước với người bạn gái miền Nam và cũng là với đất nước: “Hẹn gặp lại Sài Gòn”.
Tác giả kịch bản - nhà văn Sơn Tùng, đạo diễn Long Vân và nhà quay phim Nguyễn Quang Tuấn khi đó quyết không nhận thù lao để tiết kiệm chi phí làm phim. Phim chỉ in ra được 5 bản, trong đó có một bản do Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho nhân dân Ấn Độ nhân dịp đất nước này kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật của Bác Hồ, còn 4 bản chiếu trong nước.
Trong Hẹn gặp lại Sài Gòn, diễn viên Tiến Hợi vào vai Nguyễn Tất Thành. Có thể nói, Tiến Hợi là người có ngoại hình và phong thái giống nhất trong số những diễn viên vinh dự được hóa thân thành Bác.
Phim “Hà Nội mùa Đông năm 46” phản ánh tình thế của đất nước sau Cách mạng tháng Tám thành công, thù trong giặc ngoài ra sức chống phá, vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”. Và dân tộc ta một lần nữa buộc phải cầm súng, bởi “chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng kẻ địch càng lấn tới, vì chúng can tâm cướp nước ta một lần nữa” (Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch).
Đạo diễn tài năng Đặng Nhật Minh cùng dàn diễn viên xuất sắc đã làm nên một câu chuyện điện ảnh gây nhiều xúc động về Bác. Bộ phim cũng gây tiếng vang lớn tại nhiều liên hoan phim trong nước và quốc tế
Trong Hà Nội mùa đông năm 46, diễn viên Tiến Hợi một lần nữa được vào vai Bác. Nếu trong Hẹn gặp lại Sài Gòn, Tiến Hợi thể hiện thành công hình ảnh người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trung thực, trong sáng, hoài bão, thì trong Hà Nội mùa đông năm 46, anh lại lột tả được sự kiên định, sáng suốt và đầy quyết đoán của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong là một trong những bộ phim có kinh phí dàn dựng rất lớn: 15 tỷ đồng. Bộ phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” kể về vụ án thực dân Anh cố tình khép tội Nguyễn Ái Quốc tại một phiên tòa ở Hồng Kông (Trung Quốc) để giao Người cho thực dân Pháp ở Đông Dương xét xử, trong khi phong trào cách mạng trong nước do Đảng cộng sản Đông Dương lãnh đạo đang bị đàn áp khốc liệt.
Khi thực hiện bộ phim, đoàn làm phim đứng trước một thách thức cực kì to lớn là làm phim về Bác phải chính xác, nghiêm túc, chân thật mà vẫn thu hút người xem, nhất là thế hệ trẻ.
Trong Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, diễn viên Trần Lực vào vai Bác dưới cái tên Tống Văn Sơ. Để hóa thân vào vai diễn này, Trần Lực đã phải tìm hiểu rất nhiều tư liệu về Bác.
Top phim về Bác Hồ trên đây đều đoạt giải thưởng cao trong các kỳ Liên hoan phim Việt Nam và giải thưởng hàng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam. Niềm vinh dự tự hào và tinh thần lao động sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ là những yếu tố quan trọng làm nên thành công của các bộ phim về Bác Hồ.