Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:30
RSS

Tổng cục Thuế: Grab tăng chiết khấu cho tài xế là không đúng

Thứ sáu, 11/12/2020, 11:57 (GMT+7)

Tổng cục Thuế khẳng định quy định mới tại NĐ 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế vì tài xế chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng.

Theo báo CAND, mới đây, Tổng cục Thuế đã chính thức có giải trình về sự việc ồn ào liên quan đến Grab những ngày qua. Theo đó, cơ quan này cho biết do trong thời gian qua chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân nên dẫn đến việc thực hiện khai thuế đối với mô hình Grab không thống nhất, không đúng quy định. 

“NĐ 126 của Chính phủ là văn bản hướng dẫn về quản lý thuế nên chỉ quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế GTGT – nghĩa là chính sách thuế GTGT đối với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% như từ trước đến nay.

Như vậy, quy định mới tại NĐ 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế (tài xế chỉ chịu thuế TNCN 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế GTGT 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay). Do đó, Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.

Về trách nhiệm của Grab trong việc phải thực hiện khai thuế GTGT theo quy định của pháp luật theo Tổng cục Thuế, Grab được xác định là hoạt động kinh doanh vận tải, không phải là hoạt động kinh doanh công nghệ  

Vì thực tế Grab giữ vai trò quyết định về giá vận tải, quyết định về các chính sách với khách hàng, chịu trách nhiệm giao dịch với khách hàng, do đó, Grab có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về pháp lý trong mọi lĩnh vực (bao gồm nghĩa vụ thuế) với cơ quan nhà nước, nghĩa vụ với khách hàng và các vấn đề liên quan đến tư pháp (nếu có) là đúng với bản chất hoạt động kinh tế phát sinh. 

“Trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày vừa qua phản ánh Grab cho rằng, do tác động của NĐ 126 dẫn đến Grab tăng giá cước từ 8% đến 18% đối với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau, đồng thời giảm tỷ lệ chia cho tài xế 7% là không đúng. Tổng cục Thuế đã có giấy mời đại diện Grab giải trình về việc này”, Tổng cục Thuế thông tin.

Tổng cục Thuế: Grab tăng chiết khấu cho tài xế là không đúng
Tài xế Grab đình công phản đối mức khấu trừ mới. Ảnh: KTĐT

Trước đó, tại buổi làm việc của Tổng cục Thuế với đại diện Grab ngày 9/12, đại diện của Grab cũng chưa thông tin rõ cho cơ quan thuế về việc tăng giá và tăng mức chiết khấu đối với tài xế là do ảnh hưởng của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP hay không.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Grab đang có dấu hiệu trục lợi từ chính văn bản pháp lý được cho là sinh ra để quản lý việc nộp thuế của DN này. “Đương nhiên, sự ra đời của Nghị định 126/2020/NĐ-CP là cần thiết và kịp thời để quản chặt những DN kiểu như Grab trong nghĩa vụ nộp thuế. Nhưng Grab lại đổ nghĩa vụ nộp thuế đấy cho tài xế và cả người tiêu dùng là không được” - luật sư Bùi Đình Ứng nói.

Theo phân tích của chuyên gia pháp lý này, lâu nay Grab luôn không chịu nhận mình là đơn vị kinh doanh vận tải dù luôn quyết định giá cước các cuốc xe. Điều này là không thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, trong mối quan hệ “đối tác” như cách gọi của chính Grab về các tài xế thì DN này cũng lợi đủ đường. Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, trên danh nghĩa được gọi là đối tác nhưng tài xế chịu chi phí rất nhiều, từ mua sắm phương tiện, đổ xăng xe, bỏ công sức lái xe, tiền sửa chữa, bảo hành xe... trong khi Grab chỉ cung cấp ứng dụng gọi xe.

Thế nhưng Grab được quyền quyết định giá cước, được quyền đưa ra phần trăm chiết khấu... còn tài xế lại phải chịu toàn bộ thuế VAT, chịu thuế thu nhập... “Grab không thể vừa tăng phần trăm khấu trừ cuốc xe của tài xế vừa tăng cước để thu thêm tiền của người tiêu dùng được. Như thế là họ đang “ăn hai mang”. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ vấn đề này” - luật sư Bùi Đình Ứng đề nghị.

Đánh giá vấn đề qua góc nhìn kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, câu chuyện Grab tăng giá cước và phần trăm khấu trừ trên mỗi cuốc xe của tài xế cho thấy hành lang pháp lý để quản lý những DN như Grab vẫn còn nhiều lỗ hổng. “Ở đây cần phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, đó là phải xác định rõ loại hình kinh doanh của Grab là gì, từ đó áp dụng mức thuế cho phù hợp” - PGS.TS Nguyễn Trọng Thịnh nói.

Về việc Grab cho rằng nghĩa vụ nộp 10% thuế VAT thuộc về các tài xế, PGS.TS Nguyễn Trọng Thịnh khẳng định là không chính xác. Việc coi các tài xế chỉ là đối tác đã là sai rồi. Các tài xế là người trực tiếp lao động, mang lại lợi nhuận cho Grab.

“Các tài xế phải được coi là người lao động và phải được đối xử như người lao động. Đúng ra, họ phải có hợp đồng lao động, được hưởng các chế độ theo Bộ luật Lao động. Đằng này lại coi họ là đối tác và bắt họ chịu toàn bộ 10% thuế VAT. Như vậy là không được. Grab phải có trách nhiệm nộp 10% thuế VAT như tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải khác” - PGS.TS Nguyễn Trọng Thịnh khẳng định.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN