Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:20
RSS

'Tiền công lao động thì lấy gì mà cấn trừ VAT của tài xế Grab?'

Thứ tư, 09/12/2020, 13:39 (GMT+7)

Chuyên gia kinh tế Phạm Anh Dũng, Phó Tổng Giám Đốc Cty TNHH Greystones Data Systems Việt Nam cho rằng, công sức cả năm của giới tài xế đều bị đánh thuế VAT 10% không thương tiếc, mà tiền công lao động thì lấy gì mà cấn trừ VAT đầu vào, phần thua thiệt vẫn thuộc về giới tài xế.

Hôm nay (9/12) là ngày thứ năm Grab tăng giá. Khách hàng bị ảnh hưởng khi giá tăng và bản thân các tài xế Grab cũng bị ảnh hưởng.

Cụ thể, với dịch vụ Grabbike, trước đây, các lái xe phải cắt lại cho Grab 20% doanh thu trên mỗi chuyến xe. Thế nhưng từ ngày 5/12, mức chiết khấu này đã tăng lên hơn 27% theo Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ đầu tháng này. Theo đó, mức thuế giá trị gia tăng 10% đối với mọi cuốc xe công nghệ thay vì mức 3% như trước đây.

Grab, hãng xe công nghệ được cho là đang có thị phần lớn nhất hiện nay tại Việt Nam, đã có thông báo tăng từ 5 - 6% giá dịch vụ taxi và xe ôm công nghệ. Mức khấu trừ của tài xế cũng vì thế mà tăng theo. Trước thực tế này, ngày 7/12, hàng ngàn tài xế xe công nghệ đồng loạt tắt ứng dụng phản đối việc tăng mức khấu trừ này.

NĐ126 có hiệu lực, tăng từ 3 lên thành 10% VAT trong khi Grab không được khấu trừ (hoàn thuế VAT) như các hãng taxi truyền thống thì sẽ không công bằng với Grab. Lúc này, nếu Chính phủ vẫn đánh thuế 10% tổng cuốc xe mà không có các khoản khấu trừ thì thuế này không còn là VAT nữa mà nó giống thuế doanh thu.


Tài xế Grab tụ tập phản đối. Ảnh: TTXVN

Chuyên gia kinh tế Phạm Anh Dũng Phó Tổng Giám Đốc Cty TNHH Greystones Data Systems Việt Nam cho Dân Việt hay rằng, 25 năm trước, Luật thuế doanh thu năm 1995 áp 4% cho hoạt động vận tải, sau 1997 đổi thành luật thuế VAT, tuy nhiên VAT 10% được khấu trừ thuế VAT cho các chi phí đầu vào.

Nay thì Grab bị thuế cào bằng đánh 10% (VAT) trên tổng doanh thu của Grab nhưng nghịch lý ở chỗ doanh thu của Grab chỉ thu có 20%-25%, còn doanh thu của giới tài xế lên đến 80% nên Grab không thể khấu trừ trực tiếp vào doanh thu của tài xế, do vậy Grab tăng giá cước lên 5%-20% để bù 10% VAT phải nộp cho nhà nước.

Vô hình chung ngoài tiền xăng, tài xế phải cộng thêm khoảng 30% chi phí đầu vào được khấu trừ trong thu nhập thì 70% công sức cả năm của giới tài xế đều bị đánh thuế VAT 10% không thương tiếc, mà tiền công lao động thì lấy gì mà cấn trừ VAT đầu vào, phần thua thiệt vẫn thuộc về giới tài xế.

Theo ông Dũng, như vậy sau 25 năm đổi mới, mô hình Grab bị đưa về đánh thuế doanh thu (VAT 10% theo nghị định 126 ngày 5/12/2020) còn hơn cả luật thuế doanh thu cũ năm 1995 (4%).

"Năm 1997 nhà nước tuyên truyền VAT được cấn trừ nên doanh nghiệp không mất gì cả, cuối cùng người tiêu dùng phải trả thêm 10% vào túi tiền của mình. Nay thì Grab bị buộc phải moi tiền người tiêu dùng lần nữa", ông Dũng nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab cho TTXVN hay, Grab đang tuân thủ chặt chẽ Luật thuế Giá trị gia tăng 2008, Luật Quản lý thuế 2019 và đặc biệt là Nghị định 126/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 3/12/2020.

Cụ thể, quy định Nghị định 126, thuế VAT 10% (theo pháp luật thuế mà Grab đang thực hiện) được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế.

'Tiền công lao động thì lấy gì mà cấn trừ VAT của tài xế Grab?'
Yêu cầu của tài xế Grab. Ảnh: Dân Việt

Do đó, nhằm mục đích tuân thủ quy định này, Grab đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.

“Việc Grab khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai, và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của Nghị định 126. Toàn bộ phần thuế thu hộ đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và đều được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế,” đại diện Grab khẳng định.

Cũng theo Grab, doanh nghiệp này đã nhiều lần có văn bản xin hướng dẫn thực hiện Nghị định 126 nhưng chưa nhận được phản đối. “Grab luôn lắng nghe các phản hồi từ người dùng và đối tác. Chúng tôi đang tích cực làm việc cùng các cơ quan chức năng để cân bằng quyền, lợi ích cho các bên có liên quan,” đại diện Grab bày tỏ.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN