Thứ năm, 25/04/2024 | 22:55
RSS

Thuế tăng, Grab tăng phần trích nộp của tài xế có đúng luật?

Thứ ba, 08/12/2020, 16:52 (GMT+7)

Ngày 8/12, ở Hà Nội và TP. HCM, nhiều tài xế xe máy công nghệ GrabBike tiếp tục đồng loạt tắt ứng dụng (app) để phản đối hãng xe công nghệ Grab tăng chiết khấu thuế giá trị gia tăng (VAT).

Sáng 8/12, hàng trăm tài xế Grab tập trung tại trụ sở Grab Đà Nẵng (đường Nguyễn Hữu Thọ) để phản đối mức khấu trừ mới, sau khi áp dụng thuế GTGT trên mỗi cuốc xe.

Anh Đông, một tài xế chạy GrabBike cho báo giao thông biết, việc tăng VAT là không hợp lý đặc biệt là trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Theo tài xế này, nếu chạy cuốc xe 100.000 đồng sẽ mất 20.000 đồng tiền phí cho công ty. Trong 80.000 đồng còn lại, bị trừ tiếp 10% VAT nữa.

“Chúng tôi phải chạy liên tục, không nghỉ mới có đủ 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Vừa qua dịch Covid-19, lại sắp đến Tết ai cũng khó khăn. Trừ thêm 10% VAT nữa thì không thể chấp nhận”, anh Đông bức xúc.

Còn theo anh Thuận, một tài xế chạy GrabCar cho rằng, việc chạy Grab ở Việt Nam nhiều rủi ro mà không được đóng bảo hiểm y tế. Ngoài ra, càng ngày mức chiết khấu càng cao thì càng ảnh hưởng đến thu nhập của tài xế.

“Tài xế chúng tôi là đối tác chứ không ký hợp đồng lao động với Grab mà phải chịu mức thuế như vậy. Chúng tôi sẽ đấu tranh tới cùng đến khi có câu trả lời rõ ràng nhất", anh Thuận nói.

Thuế tăng, Grab tăng phần trích nộp của tài xế có đúng luật?
Tài xế Grab tụ tập phản đối. Ảnh: Tuổi Trẻ

Theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020, các hãng xe công nghệ phải thu 10% thuế VAT trên giá cước khách hàng thanh toán. Trước ngày 5/12, mức thuế này chỉ 3% trên phần thu nhập của tài xế sau khi đã trừ chiết khấu với hãng.

Về lý thuyết, thuế VAT do khách gọi xe đóng. Thuế này cộng vào giá cước khách phải trả, hãng xe trích ra để nộp cho cơ quan thuế. Do bài toán kinh doanh, hãng gọi xe không thể bắt khách hàng chịu hoàn toàn khoản thuế này vì giá cước sẽ tăng lên nhiều. Do đó, Grab đã chọn cách tăng một ít trên giá cước khách phải trả, đồng thời giảm phần trăm thu nhập mà tài xế đối tác được hưởng.

Theo tính toán của Grab, trước 5/12, tài xế nhận được 80% hoặc 76,4% trên tổng cước phí khách trả. Sau 5/12, con số này giảm xuống còn khoảng 73%. Những tài xế GrabBike có thu nhập dưới 100 triệu/năm chịu ảnh hưởng nặng nhất do chính sách thuế mới, do trước đây họ hưởng 80%.

Nhận định về việc này, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế khẳng định: Grab, Be, Gojek là đơn vị kinh doanh vận tải chứ không phải cung cấp giải pháp công nghệ.

"Lâu nay, do văn bản pháp lý chưa có nên các hãng vận tải công nghệ khai và nộp thuế GTGT trên phần họ được hưởng, chứ không khai và nộp thuế trên toàn bộ doanh thu. Còn bây giờ Nghị định 126 đã hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải công nghệ, đúng với bản chất phát sinh kinh tế cũng như thông lệ quốc tế Còn thuế GTGT là doanh nghiệp thu và nộp thay người tiêu dùng", bà Tạ Thị Phương Lan cho báo Tài chính Doanh nghiệp biết.

Trao đổi với báo chí, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính – thuế cho biết:  “Việc tăng mức thuế GTGT từ 3% lên 10% là chủ trương hoàn toàn đúng nhưng Grab lấy đó làm cớ để tăng cả phần trích nộp các khoản giảm trừ của tài xế là không đúng. Bởi quy định mới này không làm tăng nghĩa vụ thuế đối với cá nhân tài xế công nghệ, thậm chí còn giảm do chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân chứ không gánh thuế GTGT như lâu nay”.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN