Thứ ba, 19/03/2024 | 14:44
RSS

Grab tăng giá, áp dụng chính sách thuế mới cho tài xế công nghệ từ 5/12

Thứ sáu, 04/12/2020, 14:52 (GMT+7)

Grab cho biết, ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 05/12/2020 nên hãng đưa ra một số thay đổi.

Theo Saostar, Grab vừa công bố thay đổi chính sách thuế áp dụng cho toàn bộ đối tác tài xế của mình và tăng giá cước cơ bản của các dịch vụ GrabCar. Trước đó vài ngày, giá các dịch vụ GrabBike, GrabFood và giao hàng siêu tốc cũng đã điều chỉnh tăng.

Trong thông báo của mình tới các đối tác tài xế ngày 3/12, Grab cho biết, ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 05/12/2020.

Theo đó, kể từ ngày 05/12/2020, chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho các nền tảng đặt xe và đối tác tài xế công nghệ sẽ thay đổi như sau:

- Grab sẽ tiến hành kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác, bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (thuế suất 10%) cho toàn bộ cuốc xe vận tải trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho Đối tác với tỷ lệ không đổi (75% hoặc 80%).

- Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) (1,5%) vẫn giữ nguyên, không thay đổi.

Theo Grab, chính sách thuế mới theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP sẽ bắt đầu áp dụng cho doanh thu phát sinh từ ngày 05/12/2020.

Grab tăng giá, áp dụng chính sách thuế mới cho tài xế công nghệ từ 5/12Grab tăng giá, áp dụng chính sách thuế mới cho tài xế công nghệ từ 5/12
Ảnh: Saostar

Với quy định mới trong nghị định 126, có hiệu lực ngày 5/12, mức thuế GTGT nộp 10% phát sinh trên tất cả các cuốc xe thay vì mức 3% như hiện nay nên đại diện các ứng dụng gọi xe cho biết đang tính toán các phương án điều chỉnh giá cước và chuẩn bị tuyên truyền để tránh tình trạng tụ tập khiếu nại, tắt app phản đối.

Trước đó, phía Grab cho Tuổi Trẻ hay đang tính toán 2 phương án. Trường hợp để đảm bảo mức thu nhập hiện tại cho tài xế sẽ phải tăng cước thêm 8%, hệ quả là số chuyến xe sẽ bị giảm, đồng nghĩa với doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.

Theo số liệu của một đơn vị nghiên cứu độc lập năm 2018, độ co giãn về cầu của thị trường VN với dịch vụ vận tải kết nối qua ứng dụng gọi xe là -5,7 (tức là khi giá của một chuyến xe tăng 1%, số lượng chuyến sẽ giảm 5,7%). Nếu cước vận tải tăng thêm 8%, nhu cầu gọi xe sẽ giảm 45%. Nếu theo quy định mới áp dụng từ ngày 5/12, tài xế giảm khoảng 7,3% thu nhập so với hiện nay. Ví dụ cuốc xe 100.000 đồng, sau khi trừ thuế và phí 20% kết nối của Grab, tài xế sẽ nhận khoảng 70.000 đồng (trước đây tài xế nhận 76.000 đồng).

Đại diện Be Group cho biết vẫn đang bàn tính việc điều chỉnh sắp tới thế nào để hài hòa giữa tài xế và khách hàng. Với Be, vị này khẳng định việc tăng thuế GTGT từ 3% lên 10% từ ngày 5/12 sẽ không ảnh hưởng nhiều vì ngay từ đầu hãng đã xác định là đơn vị vận tải, thuế GTGT đã tự động thu hộ vào mỗi cuốc xe của tài xế.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25/11, ông Nguyễn Hữu Tuất - CEO FastGo - cho biết doanh nghiệp sẽ tuân thủ đúng quy định, song việc tăng thuế lần này sẽ khó khăn đối với doanh nghiệp khi tài xế và khách hàng bị ảnh hưởng, trong bối cảnh thu nhập của họ bị giảm do tác động của dịch covid-19

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN