Thứ bảy, 20/04/2024 | 23:12
RSS

Tội ác diệt chủng: Người đàn bà bị đạn xuyên đầu, thấu ngực sống sót khó tin giữa cánh đồng xác chết

Thứ năm, 06/06/2019, 15:08 (GMT+7)

Cả nhà bị quân diệt chủng sát hại, bà Sương cũng bị đạn xuyên thấu ngực, thủng đầu. Thế nhưng, như có phép nhiệm màu, bà sống sót một cách kỳ diệu.

LTS: Năm 1978, xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang) nơi cách biên giới Campuchia chừng 7 km đã bị quân Pol Pot bất ngờ tấn công. 

Trong vòng 2 tuần từ ngày 18 đến ngày 30/4/1978 đã có đến 3157 dân thường Ba Chúc bị Pol Pot thảm sát. Phần lớn nạn nhân bị sát hại vào ngày 18 tháng 4, khi một toán quân Pol Pot xâm nhập dồn hết dân làng vào các ngôi chùa và trường học rồi ra tay khát máu sát hại. Nhiều phụ nữ bị hãm hiếp, bị đóng cọc vào chỗ kín, trẻ em thì bị đâm lê trước khi giết chết.

Thảm họa diệt chủng ở Ba Chúc vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức kinh hãi của những người may mắn sống sót. 

Tận cùng sợ hãi

Thấy khách lạ đến thăm, đang luẩn quẩn bên căn nhà cấp 4 xây dựng dở, người đàn bà ấy đứng như trời trồng, đưa ánh nhìn ngơ ngác. Phải mất hồi lâu giới thiệu, bà mới biết rõ mục đích của chuyến thăm viếng đường đột này của chúng tôi. 

Tất tưởi mời chúng tôi vào nhà nhưng rồi lại cuống quýt ra vào bởi không biết mời khách ngồi chỗ nào bởi nhà quá chật. Người hàng xóm bảo, sau hai lần chết hụt, sức khỏe của bà yếu lắm, đầu óc cũng không còn minh mẫn nữa. 

Tuy nhiên, nhắc đến đại nạn của gia đình, chuyện cả nhà bị quân diệt chủng Pol Pot dã man giết hại năm 1978, chuyện bà sống sót kỳ diệu sau khi bị bắn thấu ngực, thủng đầu và chuyện bà sống thế nào giữa bốn bề xác chết thì bà nhớ lắm. Nhớ từng chi tiết. Vừa kể, nước mắt bà cứ tứa ra, nghẹn ngào. 

Bà Sương vẫn giữ những ký ức hãi hùng về vụ thảm sát năm nào.

Bà tên đầy đủ là Nguyễn Ngọc Sương, sinh năm 1967. Với thảm họa mà quân giết người man rợ Pol Pot gây ra cho dân làng Ba Chúc thì bà là nhân chứng sống với vô khối thương tích trên người. 

Ngày ấy, mọi người đã bảo, tội ác của Pol Pot và đồng bọn đã thấu tận thiên thanh nên trời mới ban phép màu để bà sống mà kể lại chuyện hiếm có trong lịch sử nhân loại này. 

Bố mẹ bà có 4 người con, toàn gái, bà là út. Bà kể, ngày ấy, đất này Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang) sau giải phóng, người dân sống thanh bình lắm. Ngày ngày chỉ thấy những người con của đạo Tứ ân hiếu nghĩa chăm chỉ, cần mẫn với việc đồng, việc nương. 

Xong việc đồng thì mọi người lại quây quần bên nhau dưới bóng chùa, hốc núi. Cuộc sống ấy hệt như mơ, hệt như ở chốn bồng lai tiên giới. 

“Có lẽ, bởi là mơ nên mọi thứ mới tan biến nhanh đến vậy”, bà trầm ngâm. “Giấc mơ an lành” của người dân Ba Chúc đã bị quân ác thú biến thành thảm họa ngay sau đó. Bà kể, ngày đó, bởi mới hơn chục tuổi đầu nên bà chẳng ý thức nhiều về sự tàn khốc của khói lửa chiến tranh. Chỉ thấy khi nghe súng đạn đì đùng thì bà được bố mẹ dắt tay chạy đi tìm chỗ nấp.

Nhìn người chạy loại, bà chẳng thấy có gì là sợ hãi, thậm chí, nhiều lúc còn thấy vui bởi cảnh tất tưởi của dân làng. Đêm 17/4/1978, cũng là một lần chạy loạn như thế. Tuy nhiên, lần này thì bà đã sợ hãi thật sự.

Đêm ấy, đang say giấc nồng thì bà bị bố mình bồng phắt dậy. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì bà được mọi người lôi ra sân rồi nhắm phía chùa Tam Bửu, (tổ đường của đạo Tứ ân hiếu nghĩa) ở trung tâm Ba Chúc chạy tới. 

Ra đường, mắt cay xè nhưng bà cũng thấy những ánh lửa loang loáng, những tiếng gọi nhau í ới, những tiếng gào khóc thảm thiết của mọi người trong xóm. “Giặc đã vào làng”, bà chỉ nghe cha mình nói vậy. Ngoái đầu lại phía biên giới, bà thấy lửa cháy ngút trời. 

Ra đến chùa Tam Bửu thì đã có mấy trăm người đang quần tụ. Ngôi chùa ngày thường rộng thênh thênh, đám trẻ con như bà chạy mỏi chân mới hết mà giờ chật kín người, không chừa một chỗ. Nhiều người đang khẩn thiết quỳ lạy mong đức Phật, đức bổn sư dang tay che chở. Nhiều gia đình ôm chặt lấy nhau như thể sắp có một cuộc phân ly không bao giờ còn gặp lại. 

Tội ác diệt chủng: Người đàn bà bị đạn xuyên đầu, thấu ngực sống sót khó tin giữa cánh đồng xác chết
Bà Sương bị mất một mảng hộp sọ sau lần bị tai nạn giao thông

Đêm ấy, ở chùa, chỉ có mấy đứa bé là thiếp đi trên tay bố mẹ. Bà cũng vậy. Cứ căng mắt để lắng nghe sự sợ hãi của mọi người được một lát thì cơn buồn ngủ lại khiến bà thiếp đi. Chợp mắt được chừng vài phút thì bà lại giật mình choàng tỉnh bởi tiếng súng nổ, tiếng thất thanh của vợ lạc chồng, con lạc mẹ. 

Sớm hôm sau, khi trời vừa tỏ thì những tên ác thú đến từ bên kia biên giới mò vào chùa. Đứa nào đứa ấy tay lăm lăm súng, mặt sát khí đằng đằng. Chẳng kiêng dè chốn thiền môn thanh tịnh, chúng thị uy mọi người bằng những loạt đạt chát chúa. 

Những người ở vòng ngoài chỉ kịp ối lên một tiếng rồi đổ gục xuống. Máu tươi từ ngoài hiên chùa chảy vào trong lênh láng. Vào chùa, chúng dồn mọi người lại và như những con quỷ khát máu, khi thì lôi vài ba người, khi thì cả chục người ra để… hành hình. Tiện ai thì chúng túm lấy, chẳng kể người già, trẻ nhỏ. 

Nhót mọi người ra, chúng bắt quỳ xuống nền xi- măng và khi thì xả đạn, khi thì dùng đoạn gậy gỗ trông như chiếc chày nện thẳng vào đỉnh đầu. Ở phía trong, cứ mỗi tiếng đạn chát chúa hay tiếng gậy đập đầu bôm bốp vang lên là cha bà lại ôm gì lấy bà. Nhìn mặt cha tái mét, bà biết ông cũng đang vô cùng sợ hãi.

Thoát chết kỳ diệu dù bị đạn thấu ngực, xuyên đầu

Tới gần trưa, không biết bởi do đã quá chán trò giết chóc hay bởi trong chùa, thi thể người vô tội đã chồng chất lên nhau, không có chỗ cho để người “đi sau” ngã xuống nữa mà bọn ác thú đã thay đổi kế hoạch tắm máu dân lành. 

Lấy cớ là “ra ông lớn hỏi chuyện, hỏi xong sẽ cho về” nên chúng lùa đoàn người (mỗi tốp 50-70 người) ra khỏi chùa. Mọi người đã răm rắp làm theo lệnh chúng, không ai dám chống cự bởi những gì xảy ra trước mắt là quá đỗi kinh hoàng. 

Bà bị quân ác thú dồn theo tốp của cha mình. Lúc chúng dùng báng súng thúc mọi người ra khỏi chùa, bà thấy văng vẳng bên tai tiếng mẹ mình gọi. Tiếng gọi thảm thiết ấy cứ yếu dần rồi tan vào sự sợ hãi tột cùng.

Cha bà đã nắm chặt tay bà khi bị những tên đại ác đó lùa ra đường. Đoàn người bị dắt đi về phía cầu sắt Vĩnh Thông, đoạn đường ra biên giới. 

Ra đến giữa cánh đồng vắng đối diện với cây cầu này, chúng bắt mọi người xếp thành hàng dài. Có lẽ, biết chuyện chẳng lành sắp xảy đến, cha bà đã nhét vào tay bà 7 đồng bạc và bảo bà cất giữ cẩn thận, nếu có chuyện gì xảy ra thì hãy dành để mua cơm ăn khi đói. 

Khi ấy, có lẽ cha bà tưởng quân khát máu trên chỉ sát hại người lớn chứ không nỡ nào xuống tay với đứa trẻ, con mình. Thế nhưng, cha bà đã lầm.
Vẫn những ngón đòn man rợ, vẫn những loạt đạn lạnh lùng, những tên mặt người dạ thú ấy đã xuống tay vô cùng tàn độc. Chiếc gậy gỗ trong tay những kẻ cuồng loạn ấy đã liên tiếp vung lên. 

Những ai còn ngắc ngoải sau cú đánh trời giáng vào chính giữa đỉnh đầu ấy thì ngay lập tức bị chúng bồi thêm bằng phát súng chính giữa thái dương, hoặc nhắm ngay đỉnh trán. Cha bà cũng lìa đời bằng kiểu giết người kinh hãi hơn cả thời trung cổ ấy. 

Thấy ông nằm bất động, quên cả sợ hãi, bà đã xấn đến gào khóc. Thế nhưng, chỉ được vài giây sau, bà đã cũng không còn biết những gì đang xảy ra trên cánh đồng toàn xác người ấy nữa. Một tên khát máu đã chẳng run tay khi hướng nòng súng vào chính giữa ngực bà rồi lạnh lùng siết cò.

Tội ác diệt chủng: Người đàn bà bị đạn xuyên đầu, thấu ngực sống sót khó tin giữa cánh đồng xác chết
Tấn công Ba Chúc, quân diệt chủng đã lùa dân thường vào chùa rồi ra tay thảm sát, máu loang khắp chùa.

Cả chục ngày vật vã sinh tồn giữa cánh đồng xác chết

Bà không biết mình đã bất tỉnh bao lâu nữa. Sau này, khi được giải cứu, nhẩm tính lại mốc thời gian, bà mới biết mình đã lịm đi đúng 2 ngày, 2 đêm. Bà kể, những tia nắng đầu hạ như thiêu như đốt khiến bà tỉnh lại. 

Mở mắt ra thì thấy chân cha gác lên bụng mình. Cái chân cứng ngắc, hôi rình. Mệt mỏi đưa mắt quan sát bốn phía, chỉ thấy những xác chết nằm chất chồng lên nhau. Mùi máu tanh hôi bốc lên nồng nặc. Trên trời, đám quạ đen chao lượn. Thinh không bặt lặng như tờ khiến những tiếng kêu ghê rợn của loài chim chuyên ăn xác chết ấy thêm phần bi thiết. 

Cố gượng sức nhấc chân cha mình ra thì bà thấy nhói đau ở ngực, ở đầu. Máu làm chiếc áo mỏng bà mặc cứng đơ như bánh tráng. Máu đóng thành mảng, có thể bóc ra như đất khô. 

Bà thấy khát nước. Thưở ruộng nơi cha con bà cùng mọi người nằm có nước nhưng đen kịt bởi máu, không uống được. Bà lết ra rạch nước ở gần đó. Nước mát làm bà tỉnh táo hẳn. Lúc này, bà mới biết mình bị bắn thấu ngực. Viên đạn xuyên từ phía trước ra sau, rờ tay bà thấy lưng mình nát bấy. Đầu bà cũng vậy, đưa tay lên chỉ thấy những lỗ bèo nhèo. 

Xương người, nạn nhân của quân diệt chủng được lưu giữ tại Ba Chúc.

Lúc ấy, có lẽ bởi quá ít tuổi nên bà đã chẳng nghĩ nhiều đến cái chết và cũng chẳng hiểu cái chết là thế nào. Bà Sương kể, ngay cả đến bây giờ, bà cũng chẳng thể hiểu vì sao mình có thể chống chọi, cầm cự được trong điều kiện kinh hoàng đến thế. Có lẽ, thánh thần đã cho bà sức mạnh, hay chí ít đó là bản năng sinh tồn hiếm thấy của đứa trẻ mới hơn chục tuổi đầu. 

Cánh đồng nơi quân ác thú giết chết cha bà cùng mọi người có cây xoài và mấy cây me. Đói, bà nín đau lết ra chỗ những cây ấy lần tìm trái rụng. Khát bà lại tìm ra rạch vục tay lấy nước. Ăn xong, uống xong bà lại tìm tới nơi cha mình nằm rồi cứ thế ôm chân ông ngủ. 

Bà bảo, bây giờ, một mình qua chỗ vắng bà thấy sợ. Tuy nhiên, khi đó, bà chẳng thấy sợ gì. Chưa đủ lớn khôn thế nhưng cũng chẳng còn nhỏ dại để không ý thức rõ một điều rằng, cha mình cùng những người xung quanh đã hoàn toàn là những cái xác không hồn. 

Thế nhưng, khi ấy, có lẽ vừa phải trải qua những nỗi sợ hãi tột cùng nên bà thấy mình chai sạn. Thêm nữa, bà không có lựa chọn nào khác. Bà không nhớ lối về nhà. Và, bà biết, những vết đau trên cơ thể khiến bà chẳng thể đi xa. Vậy nên chỉ còn mỗi sự lựa chọn duy nhất ấy là ở cùng với người thân thích nhất là cha, dù thân thể ông ngày một biến dạng, phân hủy dưới thời tiết khắc nghiệt đầu hè. 

Gần chục ngày đã trôi qua, bà đếm thời gian qua những cơn đói, qua những lần phải lết ra rạch uống nước. Bà thấy mình ngày một yếu đi. Những thi thể cạnh bà đã bốc mùi ngày một khó chịu. Cơ thể bà cũng vậy. Giòi bọ đã nhung nhúc ở những vết thương hở miệng. 

Đến ngày thứ 11, khi không còn đủ sức lết ra rạch lấy nước nữa thì bà nằm lặng yên, thiêm thiếp nhìn bày quạ chao lượn ngay trên đầu mình. Đói khát làm môi bà chóc vảy. Mỗi lần cố nuốt nước miếng, bà thấy cổ mình rát bỏng. 

Khi đó, bà đã thấy thoáng trong đầu ý niệm về cái chết. Vài giờ nữa thôi là bà cũng nằm không nhúc nhích như cha mình và những người bên cạnh. Và, bầy quạ trên đầu kia cũng sẽ sà xuống dóc từng miếng thịt trên cơ thể mình. Những ý nghĩ hãi hùng đó cứ vẩn vơ trong đầu cho đến khi bà lịm hẳn. 

Bà kể, khi tỉnh dậy, bà thấy mình đang được các y bác sĩ cấp cứu. Và, khi đó, bà đã được nghe mọi người kể lại rằng, đến ngày thứ 12, khi tiến vào giải phóng Ba Chúc, đánh đuổi bè lũ ác thú diệt chủng lùi về bên kia biên giới thì bộ đội ta đã phát hiện ra sự sống sót diệu kỳ của bà. Có thể, chỉ chậm một ngày, bà đã không còn nữa.

Tội ác diệt chủng: Người đàn bà bị đạn xuyên đầu, thấu ngực sống sót khó tin giữa cánh đồng xác chết
Bia mộ tại nhà mồ Ba Chúc.

Người luôn bị tử thần… truy sát

Bà phải nằm viện gần 4 tháng trời. Khi đó, những câu hỏi ngây thơ của bà về bố, về mẹ, về các chị đều khiến các y bác sĩ không cầm được nước mắt. Ai cũng khóc. Có người không muốn bà thấy họ khóc đã ôm mặt chạy ra ngoài. 
Có người vừa thay bông băng cho bà, vừa đánh rơi những giọt nước mắt xuống vết thương khiến bà thấy xót. 

Khi vết thương đã lành miệng, các cô các chú ở Bảo tàng tỉnh An Giang đã giữ bà ở lại thành phố Long Xuyên để nuôi bà ăn học. Nhớ nhà, nhớ người thân, nhiều lần bà đòi về nhưng những người cưu mang bà đã viện đủ lý do để khước từ mong muốn ấy. Khi thì nói còn phải học môn này, lớp nọ, khi thì lại bảo sẽ đưa bà đi chơi đây đó. 

Khi đó, bà đâu biết rằng, họ sợ bà về, đối diện với sự thực đau đớn là cha mẹ, các chị của bà đều đã chết dưới tay quân diệt chủng tàn bạo bà sẽ không chịu nổi. Nhưng rồi, chừng hơn năm sau, nghĩ cứ giấu mãi cũng chẳng được, lại thêm nghĩ bà còn nhỏ, chưa ý thức được chuyện mất mát kinh hoàng đó nên mọi người đã cho bà biết rằng mình không còn ai thân thích. 

Nghe xong chuyện, bà chỉ thoáng buồn.Buồn bởi ý nghĩ từ giờ không còn được cha cưng nựng, không còn được nhận từ tay mẹ những chiếc bánh thơm phức mỗi buổi chợ tan. Sau này, thêm một vài tuổi nữa, bà mới thấy hết những đau đớn, những thiệt thòi không gì bù đắp ấy. Bà bảo, may mà đại nạn ấy xảy ra khi bà còn nhỏ, còn vô lo vô nghĩ chứ nếu xảy ra về sau này thì chắc chắn bà đã không sống nổi.

Các cô chú ở Bảo tàng An Giang muốn bà học xong phổ thông sẽ tiếp tục nuôi bà đi học chuyên nghiệp để sau này về công tác tại cơ quan này. Và, theo như dự định của mọi người thì bà sẽ về công tác tại ngay khu chứng tích tội ác của quân diệt chủng Pol Pot, nơi có nhà mồ tập thể cất giữ cả phần xương cốt của cha, mẹ, các chị của bà. 

Thế nhưng, bởi vết thương quân ác thú gây ra trên cơ thể bà quá nặng, bà tự thấy sức mình không thể theo học lên cao, lại thêm nỗi nhớ quê dằn vặt, mong được về nhà hương khói cho những người thân thích nên học đến lớp 11, bà đã nằng nặc xin về. Mọi người đã tìm mọi cách thuyết phục những mong bà thay đổi ý định đó nhưng cũng đành thua. 

Về quê, năm 25 tuổi, bà lấy chồng. Chồng bà, ông Mai Văn Xưa hơn bà 1 tuổi. Ông cũng người Ba Chúc. Ông bảo, ông lấy bà bởi thương, bởi muốn bù đắp những đau đớn về cả tâm hồn và thể xác mà bà từng oằn lưng gánh chịu. Về nhà chồng, bà cũng mong những ấm êm, hạnh phúc sẽ đến với mình. 

Thế nhưng, cuộc đời như trò đùa, số phận như trêu ngươi. Hãi hùng nhất là thần chết dường như vẫn chưa muốn buông tha mà cứ lởn vởn cạnh bà. 

Sức khỏe yếu nên khi hạ sinh được một cậu con trai kháu khỉnh, bà Sương chỉ ở nhà nội trợ. Việc mưu sinh, bà cậy nhờ chồng. Nhà ít ruộng nên cuộc sống chủ yếu trông vào những đồng tiền do ông bán sức lao động của mình. Ai thuê gì ông làm nấy. Khi thì phụ hồ, khi thì đào đất, bạt đá. Cứ kiếm được ngày hai bữa cơm cho vợ con là ông chẳng từ nan.

Tội ác diệt chủng: Người đàn bà bị đạn xuyên đầu, thấu ngực sống sót khó tin giữa cánh đồng xác chết
Bà Sương bên căn nhà xây dở thì hết tiền.

Cách đây hơn chục năm, đến giờ nấu cơm, bà băng qua đường định sang nhà hàng xóm xin nắm rau xanh. Thò chân xuống đường, bà thấy rõ từ xa một chiếc xe máy đang đi ngược lại. Nghĩ với khoảng cách đó thì kiểu gì người điều khiển xe cũng sẽ quan sát thấy bà và lựa đường tránh nên bà cứ ung dung sang đường. 

Thế nhưng, chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà chiếc xe máy cứ nhè lấy bà mà bổ tới. Một cú đâm khá mạnh khiến bà ngã bổ chổng, đập đầu xuống đường, vỡ tan hộp sọ. Sau này bà mới biết là người điều khiển xe máy đó đang trong cơn say rượu nên đi xe mà chỉ loáng thoáng thấy đường. 

Mọi người tưởng bà sẽ chết sau cú tai nạn thảm khốc đó bởi 3 ngày nằm ở bệnh viện, bà bất tỉnh. Thế nhưng, đến ngày thứ tư, kỳ diệu, sự sống lại trở lại với bà. Phần hộp sọ bị vỡ chẳng có cách gì khắc phục nên các bác sĩ đành cắt bỏ. Bởi thế, sau khi rời bệnh viện, đầu bà hõm một hố sâu bên trán trái, trông hơi kỳ dị.

Đào Tuệ Linh
Theo Đời sống Plus/GĐVN