Theo RT, câu chuyện bắt đầu từ khi vua Louis VII muốn xây một nhà thờ ở trung tâm Paris. Nhà thờ bắt đầu được xây dựng năm 1163, viên đá đầu tiên được đặt với sự có mặt của Giáo hoàng Alexanđer III và vua Louis VII.
Giám mục Maurice de Sully chỉ đạo công việc xây dựng cho tới năm 1196, rồi tiếp tục bởi giám mục Eudes de Sully.
Việc thi công đầu tiên gồm bốn giai đoạn chính: 1163-1182: xây dựng điện và hai hành lang chính diện; 1182-1190: xây dựng hai gian cuối, các gian bên và diễn đàn; 1190-1225: xây dựng mặt ngoài, hai gian đầu của nhà thờ; 1225-1250: xây dựng hành lang thượng, hai tháp cùng thay đổi, mở rộng các cửa sổ. Đến năm 1345 thì nhà thờ được coi như xây dựng xong.
Nhà thờ được trang trí với nhiều bức phù điêu mô tả các câu chuyện Kinh Thánh, cũng như các bức tượng của các vị thánh.
Một số bức tượng bị hư hại trong thời kỳ xung đột tôn giáo ở Pháp vào thế kỷ 16. Đó là giai đoạn đụng độ giữa người Công giáo và người Huguenots, từ năm 1562-1598.
Nhà thờ Đức Bà trải qua quá trình nâng cấp, cải tạo lớn vào thế kỷ 18, dưới thời vua Louis XIV và Louis XV, thay thế nhiều lớp cửa sổ, sắp xếp lại thánh đường và loại bỏ phần tháp mái.
Năm 1789, Cách mạng Pháp bùng nổ, nhà thờ bị cướp bóc và hư hại. Nhiều bức tượng bị chặt đầu, trong khi khu vực thánh đường bị phá hủy.
Tượng Đức mẹ Marry bị thay thế bằng tượng Nữ thần Tự do. Nhà thờ khi đó biến thành nhà kho. Đến khi Napoleon Bonaparte xuất hiện, nhà thờ mới được giải cứu và khôi phục vào năm 1802. 2 năm sau, Napoleon đăng quang ngôi hoàng đế Pháp.
Trong giai đoạn đế chế Napoleon, nhà thờ gần như bị lãng quên và không được trùng tu. Năm 1848, vua Louis Philippe ra lệnh cải tạo nhà thờ, giao trọng trách này cho kiến trúc sư Jean-Baptiste-Antoine Lassus và Eugène Viollet-le-Duc.
Dự án kéo dài 25 năm đã khôi phục phần tháp mái và tái hiện lại ô cửa sổ giống như hàng trăm năm trước.
Đến thời hiện đại, nhà thờ Đức Bà ở Paris bị hư hại một phần khi quân Đồng minh giải phóng Paris vào năm 1944.
Năm 1963, 800 năm kể từ khi nhà thờ được xây dựng xong, chính phủ Paris cho khôi phục nhà thờ với màu sắc truyền thống.
Thêm một dự án cải tạo và nâng cấp nhà thờ nữa được bắt đầu vào năm 1991. Năm 2017, nhà thờ gặp một số vấn đề về kết cấu, đến mức mà André Finot, phát ngôn viên nhà thờ nói rằng, “tình hình đã vượt ngoài tầm kiểm soát”.
Được biết, chủ sở hữu nhà thờ là chính phủ Pháp và chính phủ đã chi 2 triệu euro mỗi năm để duy trì hoạt động của nhà thờ. Giáo hội Công giáo có quyền sử dụng nhà thờ cho mục đích tôn giáo và mới đây đã kêu gọi quyên góp hàng chục triệu euro để trùng tu nhà thờ.
Đến năm 2018, ước tính có 12 triệu du khách đến thăm nhà thờ, hơn cả các địa danh nổi tiếng khác ở Paris như tháp Eiffel.
Nhà thờ không thu tiền vé vào cửa nhưng du khách muốn nhìn thấy tháp chuông hoặc khu hầm mộ thì phải trả số tiền khoảng 8,5 euro và 6 euro.
Vụ cháy ngày 15.4 được cho là bắt nguồn từ phần bao quanh ngọn tháp và nhanh chóng lan ra toàn bộ mái nhà. Khoảng hai phần ba khu vực mái nhà thờ bị lửa thiêu rụi, làm hư hại nhiều kiến trúc bên trong.
Nhiều khu vực bên trong nhà thờ bị thiêu rụi, nhưng các hiện vật quý giá nhất thì vẫn còn nguyên vẹn.
Đến sáng ngày 16.4, lực lượng cứu hỏa Pháp nói họ đã dập tắt được ngọn lửa. Nhà thờ dù bị hư hại nặng nhưng vẫn hoàn toàn có thể được xây dựng lại.
Phát ngôn viên nhà thờ ước tính quá trình tái thiết lại Nhà thờ Đức Bà sau vụ cháy có thể lên tới 10 năm.