Virus covid-19 không phải do con người tạo ra. Ảnh các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm ở Viện Virus học Vũ Hán. (Ảnh: EPA)
“Cộng đồng tình báo (IC) cũng đồng tình với quan điểm được giới khoa học đồng thuận rằng Covid-19 không phải do con người tạo ra hoặc biến đổi gen”, tuyên bố của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ ngày 30/4 cho biết.
“Cộng đồng tình báo sẽ tiếp tục xem xét chặt chẽ những thông tin và tình báo để xác định liệu dịch (Covid-19) bùng phát do tiếp xúc với động vật bị nhiễm hay là kết quả của một sự cố tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán”, tuyên bố nêu rõ, Dân trí đưa tin.
Tuyên bố của cơ quan tình báo quốc gia Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump và một số quan chức Nhà Trắng đang xem xét giả thuyết rằng một phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về dịch bệnh truyền nhiễm tại thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch ở Trung Quốc là nguồn cơn dẫn tới đại dịch toàn cầu khiến hơn 220.000 người thiệt mạng.
Trong những ngày gần đây, chính quyền Mỹ đã tăng cường chỉ trích Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh hành động chậm trễ trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus khiến dịch bệnh lan ra toàn thế giới Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng hối thúc Trung Quốc cho phép các chuyên gia tới phòng thí nghiệm ở Vũ Hán để có thể “xác định chính xác nơi virus bắt nguồn”.
Một số nhà khoa học cho rằng virus corona chủng mới xuất phát từ loài dơi. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pompeo và một số quan chức Mỹ nghi ngờ Viện Virus học Vũ Hán có liên quan tới khả năng rò rỉ Covid-19.
“Chúng tôi biết rằng Viện Virus học Vũ Hán chỉ cách khu chợ bán đồ tươi sống khoảng 13 km”, ông Pompeo nói.
Giới chức Mỹ cho biết Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh từng bày tỏ quan ngại về các vấn đề an toàn tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hồi năm 2018, tuy nhiên vẫn chưa tìm ra bằng chứng cho thấy virus xuất phát từ cơ sở đó.
Trong khi đó, chia sẻ với các phóng viên trong cuộc họp ở Nhà Trắng, ông Trump cho biết đang phụ trách toàn bộ dự án nhằm phát triển vaccine càng nhanh càng tốt. "Việc gì con người làm được, chúng tôi sẽ thực hiện", ông nói, "Tôi hy vọng chúng ta thúc đẩy vaccine với tốc độ nhanh chưa từng có".
Dự án mang tên "Operation Warp Speed", dựa trên sự hợp tác của các công ty dược phẩm tư nhân, cơ quan chính phủ và quân đội, nhằm cắt giảm thời gian phát triển vaccine nCoV. Mục tiêu tới cuối năm nay có 100 triệu liều. Chưa từng có vaccine nào được phát triển với tốc độ như vậy.
Nếu dự án này thất bại, rủ ro tài chính do người nộp thuế chịu thay vì các công ty dược phẩm. Việc phát triển vaccine thường là cần thời gian và có nhiều rủi ro.
Mục tiêu của dự án mà ông Trump đưa ra là cắt bỏ các công đoạn chậm, sử dụng nguồn lực của chính phủ để nhanh chóng thử nghiệm vaccine tiềm năng nhất trên động vật, sau đó thử nghiệm rộng rãi trên người. Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ cung cấp các tài nguyên nghiên cứu động vật để thử vaccine tiền lâm sàng.
Tháng trước, Trump đã chỉ đạo Alex Azar, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, tăng tốc độ phát triển vaccine. Các quan chức chính quyền đã họp suốt 4 tuần. Michael Caputo, người phát ngôn của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, cho biết tổng thống không chấp nhận mốc thời gian phát triển vaccine tiêu chuẩn và khuyến khích đột phá quy trình.
Các loại vaccine có tiềm năng nhất sẽ được đưa vào thử nghiệm rộng hơn, đồng thời sản xuất tăng sản xuất hàng loạt. Quy trình kiểm nghiệm vaccine cũng được thảo luận. Thay vì nhiều nhà sản xuất thực hiện nhiều thử nghiệm lâm sàng, cạnh tranh bệnh nhân và các nguồn lực, chính phủ sẽ tổ chức cuộc thí nghiệm lớn, thử nhiều loại vaccine cùng một lúc và tập trung sản xuất loại có tiềm năng nhất.
Chính quyền Trump không đơn độc khi cố gắng phát triển nhanh vaccine. Đại học Oxford ở London cũng là ứng cử viên sáng giá trong cuộc chạy đua này. Các nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã tiêm vaccine do Oxford sản xuất lên sáu con khỉ macaque sau đó cho chúng phơi nhiễm với nCoV. Cả sáu con khỉ đều khỏe mạnh hơn sau bốn tuần.
Các nhà nghiên cứu hiện đang thử nghiệm vaccine của họ ở 1.000 bệnh nhân, có kế hoạch mở rộng thử nghiệm lâm sàng vào tháng 5 với khoảng 5.000 người nữa. Nhóm Oxford cho biết đã dự kiến vài triệu liều vaccine được sản xuất và phê duyệt bởi các nhà quản lý vào đầu tháng 9/2020.
Vaccine là công cụ hiệu quả nhất chống lại các bệnh do virus, giúp con người không bị ốm, là lối tắt giúp nâng cao miễn dịch. Các nhà khoa học sử dụng virus sống, đã được làm yếu đi hoặc đã chết, hoặc một phần của mầm bệnh để làm vaccine rồi đưa vào, "lừa" cơ thể xây dựng hệ miễn dịch mà không bị mắc bệnh.