Thứ bảy, 20/04/2024 | 11:19
RSS

Tin tức thời sự nóng, mới nhất 24h hôm nay ngày 12/3/2019

Thứ ba, 12/03/2019, 09:25 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 12/3/2019 có những tin đáng chú ý như người dân lo lắng trước thông tin tăng giá điện, cứu thành công 2 tàu đánh cá của ngư dân gặp nạn trên vùng biển tỉnh Nghệ An...

Không nhất thiết phải nộp 2% phí bảo trì

Sở Xây dựng TP.HCM vừa đề xuất bỏ quy định nộp kinh phí bảo trì 2% khi mua nhà chung cư.

(Ảnh minh họa: Dân trí)

Theo đó tin tức thời sự mới nhất 24h hôm nay được biết, nhà chung cư có tuổi thọ trung bình 100 năm, sau vài năm đầu tư đưa vào sử dụng, chi phí bảo dưỡng, bảo trì thiết bị chưa nhiều. Càng về sau, chi phí bảo trì thiết bị càng gia tăng. Sau khoảng 10 năm, nguồn quỹ bảo trì sẽ cạn kiệt. 

Do đó, không nhất thiết phải nộp 2% phí bảo trì ngay từ đầu mà có thể thực hiện đóng hàng năm, hoặc nếu phát sinh vấn đề cần phải có chi phí, cư dân sẽ đóng góp.

Tăng giá điện: Thêm chi phí, thêm nỗi lo

Theo ngành điện, nếu không tăng giá điện, ngành sẽ không có khả năng chi trả và không đảm bảo cung cấp điện. Giá bán lẻ điện bình quân sắp tăng thêm khoảng 8,36%, tức hơn 143 đồng/kWh. Theo ngành điện, tổng chi phí đầu vào tăng, do đó, nếu không tăng giá điện, ngành sẽ không có khả năng chi trả và không đảm bảo cung cấp điện.

Cụ thể, giá than giá khí đã thực hiện theo điều chỉnh không có khả năng chi trả sẽ gây ùn ứ trong nền kinh tế, ngành điện không trả được ngành than, ngành than không duy trì được sản xuất và nếu dẫn đến thiếu điện sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế.

Theo Bộ Công Thương, tổng chi phí sản xuất điện năm ngoái và đầu năm nay đã bị đội lên gần 21 nghìn tỷ đồng, bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và giá khí bao tiêu theo thị trường.

Tuy nhiên, tăng giá bán điện thì tiền điện các gia đình phải trả sẽ tăng. Ngoài ra, giá thành của các sản phẩm, dịch vụ cũng tăng theo và người tiêu dùng sẽ phải chi thêm tiền.

Để bàn luận sâu hơn về vấn đề này, chương trình Vấn đề hôm nay ngày 11/3 đã mời tới trường quay Tiến sĩ Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế.

Theo những phân tích của đại diện ngành điện, chuyên gia, có thể tạm hiểu rằng: Ngành điện phải tăng giá bán để đảm bảo các điều kiện sản xuất đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và của mỗi người dân. Bên cạnh đó, các gia đình thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo vẫn nhận được sự ưu đãi từ Nhà nước để không bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá điện.

Tuy nhiên, việc tăng giá điện sẽ thuận lợi và phù hợp hơn khi lộ trình được tính toán kỹ, trong đó có tăng cường thêm tính minh bạch trong giá điện từ chi phí đầu vào, quản trị, duy trì bộ máy và các chi phí khác. Bên cạnh đó, chắc chắn cũng cần có thêm sự tham gia của nhiều công ty tư nhân đủ năng lực trong lĩnh để đảm bảo tính cạnh tranh.

Cứu nạn tàu cá bị hỏng máy trên biển

Lực lượng Cảnh sát biển vừa cứu thành công 2 tàu đánh cá của ngư dân gặp nạn trên vùng biển tỉnh Nghệ An.

Chiều tối 10/3, hai tàu cá đã bị mất lái trên vùng biển tỉnh Nghệ An. Ngay sau khi nhận được tin báo, tàu cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ tại vùng biển Hòn La đã nhanh chóng tiếp cận các tàu gặp nạn, kéo cả 2 tàu về bờ an toàn trong đêm 11/3. Sức khỏe 22 thuyền viên trên 2 tàu ổn định.

Xử lý ô nhiễm môi trường nước bằng bột thiên nhiên Bakture

Sau 1 tháng thử nghiệm công nghệ xử lý môi trường bằng bột thiên nhiên Bắc Trà (Bakture) Nhật Bản 4 hồ điều hòa bị ô nhiễm ở TP Hạ Long đã thay đổi rõ rệt.

Vài tháng trước đây, 4 hồ điều hòa khu vực Ao Cá, thuộc phường Hùng Thắng và phường Bãi Cháy, TP Hạ Long đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Nguyên nhân được xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm.

Điều đáng nói, 4 hồ đều thông nhau bởi hàng chục cống hộp lớn và xả thẳng ra Vịnh Hạ Long gây ô nhiễm môi trường biển. Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã kết hợp với Công ty cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật - Việt triển khai công nghệ xử lý môi trường bằng bột thiên nhiên Bắc Trà Nhật Bản. Sau 1 tháng thử nghiệm ở giai đoạn 1, công nghệ này đã tạo ra sự thay đổi bất ngờ từ những lòng hồ bị ô nhiễm.

Lòng hồ Hùng Thắng vài tháng trước, nơi có nguồn nước đục ngầu và bị ô nhiễm nặng nhất tại Hạ Long khiến cá chết hàng loạt. Sau 1 tháng thử nghiệm công nghệ Bắc Trà đến từ Nhật Bản, có thể thấy được sự khác biệt rõ rệt ở độ trong và màu của nước lòng hồ.

Dựa trên kết quả phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh về môi trường nước sau hơn 1 tháng thử nghiệm công nghệ Bắc Trà cũng cho thấy các thông số ô nhiễm đều giảm mạnh, đạt giới hạn cho phép theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt. Ngoài ra, định lượng vi sinh vật có lợi tăng từ 0 - 80.000.

Với hiệu quả của công nghệ này, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục cho triển khai làm sạch các hồ còn lại. Ngoài ra, tỉnh sẽ triển khai thêm ở hồ nuôi tôm, cá để phát triển thủy sản của tỉnh.

Trước đó, công nghệ này đã được áp dụng thành công tại hồ Hạnh Phúc, TP Hải Phòng và hơn 300 điểm ô nhiễm tại Nhật Bản cùng các quốc gia như Ấn Độ, Lào, Indonesia, Thái Lan…

Giả người đánh bắt cá trộm cắp nhiều tài sản trên sông

Các đối tượng thường lợi dụng lúc chủ phương tiện đường thủy ngủ say đóng giả làm người đánh bắt cá để dò la, khi có cơ hội sẽ tay trộm cắp tài sản

Dọc theo bờ sông Hậu đoạn qua xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, xuồng ghe của người dân đến chở thuê lúa gặt tấp nập. Nhiều chủ phương tiện chủ quan, lơ là trong việc bảo quản tài sản nên đã tạo điều kiện cho các đối tượng ra tay trộm cắp.

Mới đây, trên đường tuần tra, khi đến đoạn sông Hậu thuộc ấp Nhơn Hòa, xã Nhơn Mỹ, tổ công tác phát hiện 1 người điều khiển xuồng máy chạy gần bờ có biển hiện nghi vấn. Lực lượng ra tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra. Lợi dụng đêm tối, người này lao vào bờ để tẩu thoát. Qua kiểm tra, trên phương tiện có 11 điện thoại di động các loại, 1 ví da có 4 triệu đồng, 1 nhẫn vàng và một số tang vật khác.

Trước đó, tại huyện đầu nguồn biên giới An Phú, Công an huyện An Phú đã triệt xóa thành công đường dây chuyên trộm cắp bình ắc quy, xuồng máy, máy nổ, khởi tố, bắt giam 2 người và trao trả 2 người Campuchia cho nước bạn, thu hồi 50 bình ắc quy, 1 xuồng máy với tổng giá trị tài sản gần 80 triệu đồng.

Ảnh hưởng từ dịch tả, giá lợn tại Khánh Hòa giảm

Do ảnh hưởng từ dịch tả cùng với bệnh lở mồm long móng xuất hiện trên đàn lợn của hộ chăn nuôi tại huyện Cam Lâm, giá thịt lợn ở tỉnh Khánh Hòa đang lao dốc.

(Ảnh minh họa: Dân trí)

Trung bình các mặt hàng thịt lợn tại tỉnh Khánh Hòa đều giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với trước khi có thông tin dịch bệnh trên lợn. Bên cạnh đó, sức mua giảm gần 30%. 

Hiện toàn thành phố Nha Trang có 22 điểm giết mổ lợn với số lượng khoảng 400 con/ngày. Nay trên địa bàn chỉ có khoảng 18 lò mổ hoạt động với số lượng giết mổ giảm còn khoảng 250 con/ngày.

Hàng nghìn ha rừng tại An Giang ở mức cảnh báo cháy cực kỳ nguy hiểm

Hiện ĐBSCL đang vào cao điểm mùa khô. Tại tỉnh An Giang, nắng gắt, nhiệt độ luôn ở mức cao, hàng nghìn ha rừng đang ở mức cảnh báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm.

Tại rừng phòng hộ núi Quốc Cường, nhiệt độ đo được là 36oC, độ ẩm khoảng 50%. thời tiết khô hanh cùng với lớp thực bì dày và khô, chỉ cần một tàn thuốc hoặc một đốm lửa nhỏ là có thể gây ra cháy rừng vào bất cứ lúc nào.

Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, hiện gần 50% diện tích trên tổng số 17.000ha rừng trên địa bàn đang ở mức cảnh báo cháy cấp 5, mức cực kỳ nguy hiểm. Trước nguy cơ cháy rừng ở mức cao, ngành Kiểm lâm tỉnh An Giang xây dựng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân.

Tại các khu du lịch tâm linh, địa phương tăng cường tuyên truyền cho khách hành hương không đốt vàng mã, thắp hương trong khu vực rừng, xây dựng các phương án bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, cắt cử lực lượng túc trực 24/24 giờ tại 200 chốt canh, thành lập tổ thường xuyên kiểm tra ở các khu vực dễ xảy ra cháy. Khoảng 300 hồ chứa từ 1 - 3m3 theo triền núi đều được bơm đầy nước. Phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ được trang bị đầy đủ.

Đẩy mạnh quan trắc để ngăn chặn sự cố môi trường

Việc đẩy mạnh công tác quan trắc là hết sức cần thiết để cơ quan chức năng kịp thời đưa các biện pháp quản lý cũng như ngăn chặn những vấn đề ô nhiễm môi trường.

ĐBSCL là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển, trở thành một vùng kinh tế quan trọng của cả nước. Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường đã gây áp lực ngày càng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Nằm trong kế hoạch nâng cấp và hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, trong đó có quan trắc tự động, theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng cho hệ thống quan trắc, kiểm soát môi trường, kịp thời ngăn chặn các sự cố môi trường có thể xảy ra.

Cứ 5 phút một lần, trạm quan trắc chất lượng không khí tự động đặt tại khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang sẽ chuyển kết quả quan trắc đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang. Nếu có chỉ số nào vượt ngưỡng cho phép, lập tức tin nhắn cảnh báo sẽ được gửi đến điện thoại và máy tính của cán bộ quan trắc. Đây là 1 trong 4 trạm quan trắc tự động vận hành từ đầu năm nay, đặt tại những nơi được cho là nhạy cảm về môi trường tại tỉnh Hậu Giang.

Để hỗ trợ các tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện tốt công tác quan trắc. Trạm Vùng tác động Tây Nam Bộ do Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý cũng vừa được vận hành tại thành phố Cần Thơ. Đây là trạm quan trắc quy mô cấp vùng đầu tiên ở ĐBSCL với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tấc cả các yêu cầu về quan trắc.

Hiện đa số các địa phương tại ĐBSCL đang trong quá trình phát triển công nghiệp nên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ngày càng nhiều. Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải ở một số khu, cụm công nghiệp dù được đầu tư xây dựng nhưng chưa đầy đủ.

Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp việc đẩy mạnh công tác quan trắc là hết sức cần thiết để cơ quan chức năng kịp thời đưa các biện pháp quản lý cũng như ngăn chặn, kiểm soát những vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Trang Luv (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN