Thứ năm, 21/11/2024 | 17:55
RSS

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương ổn định thị trường xăng dầu trong nước

Thứ năm, 20/10/2022, 11:55 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã có chỉ đạo yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương ổn định tình hình thị trường xăng dầu trong nước.

Thông tin trên Báo pháp luật TP HCM cho biết, ngày 19/10, Văn phòng Chính phủ có công văn số 7048, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên quan đến tình hình thị trường xăng dầu.

Nội dung công văn nêu rõ, những ngày gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo ổn định tình hình thị trường xăng dầu, nhất là các cửa hàng bán xăng, không để bất ổn tình hình.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương ổn định thị trường xăng dầu trong nước

Người dân xếp hàng chờ đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu số 4, đường Võ Văn Ngân. Ảnh: Báo Pháp luật TP HCM

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Công thương, có khoảng hơn 200 cửa hàng đóng cửa, đã gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh và một số doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng do không đủ hạn mức tín dụng và nguồn ngoại tệ nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã tiết giảm chi phí kinh doanh, trong đó có việc giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh xăng dầu thua lỗ.

Ngoài ra, tại một số địa phương, Chi cục Hải quan đã ngừng thông quan đối với một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu do chưa thực hiện việc kết nối dữ liệu điện tử, chậm nộp thuế…

Ngày 18/10, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công Thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Đồng thời hỗ trợ tiếp cận lãi suất ưu đãi, vay vốn, mua ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước.

Đối với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề nghị rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế.

Bộ công thương cũng chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện việc thông quan hàng hóa xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn hàng từ nguồn nhập khẩu cho thị trường trong nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thẩm quyền quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu cần chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại