Theo Sở Công Thương Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh hiện có 331 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động, thuộc sở hữu của 220 doanh nghiệp; 2 doanh nghiệp đầu mối là Công ty Xăng dầu Lâm Đồng và Công ty Dương Đông Tây Nguyên, 1 thương nhân phân phối là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phúc Sơn.
Số liệu thống kê đến ngày 11/10 cho thấy, có khoảng 20 - 30% cửa hàng xăng dầu vẫn mở cửa kinh doanh nhưng thông báo hết xăng còn dầu hoặc hết dầu còn xăng; tuy nhiên có một số cửa hàng thông báo hết cả xăng và dầu. Tình trạng này xảy ra trong khoảng thời gian ngắn từ 2 - 3 ngày, lý do là các đại lý không chủ động nhập hàng hoặc doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối không cung cấp hàng hoặc cung cấp hàng nhỏ giọt.
Cửa hàng xăng dầu số 10 ở phường 11, TP Đà Lạt để bảng ngưng hoạt động vào chiều 22/9/2022. Ảnh: Báo Thanh niên
Trước tình trạng này, thông tin trên Thông tấn xã Việt Nam sáng 14/10 cho biết, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương giám sát chặt chẽ, đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
Tại văn bản này, UBND tỉnh yêu cầu các cửa hàng ký cam kết thực hiện nghiêm quy định về kinh doanh xăng dầu, chỉ ngừng bán khi được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, yêu cầu Sở Công Thương tăng cường quản lý, điều hành không để gián đoạn nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống kinh doanh xăng dầu đảm bảo duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời, đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng xăng dầu.
Ông Bùi Thế, Phó giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Sở và các phòng chuyên môn phối hợp với lực lượng quản lý thị trường thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu…
Trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm hành vi găm hàng trục lợi; giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn.
Liên quan đến vấn đề nguồn cung xăng dầu gián đoạn trong thời gian vừa qua, trao đổi với Báo Pháp luật TP HCM, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, một trong những nguyên nhân là do hai nhà máy lọc dầu đã chuyển cơ cấu tăng sản lượng dầu diesel, giảm sản lượng xăng.
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường nội địa, Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường, tăng sản xuất mặt hàng xăng để cung ứng cho thị trường trong nước.
Bộ Công an cho biết, nếu các cửa hàng kinh doanh có hành vi găm hàng, chờ lên giá để trục lợi sẽ tùy tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân hay pháp nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.