Thứ sáu, 29/03/2024 | 03:41
RSS

Thứ trưởng Bộ Y tế phản bác, mọi người đang hiểu sai việc cấm gây tê tủy sống khi mổ đẻ

Thứ ba, 04/07/2017, 14:47 (GMT+7)

Trước nhiều ý kiến về việc Bộ Y tế cấm gây tê tủy sống khi mổ đẻ, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến khẳng định cần phải hiểu đúng quy định này.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã ký công văn gửi các cơ sở y tế yêu cầu các bác sĩ khi thực hiện mổ bắt con các các sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật… không được dùng phương pháp gây tê tuỷ sống, thay vào đó dùng gây mê nội khí quản (gây mê toàn thân).

Công văn này cũng chỉ rõ, việc áp dụng gây tê tuỷ sống với những trường hợp này có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Khi đó cấp cứu cực kỳ vất vả, nguy cơ tử vong cao.

Ngay sau khi công văn này được ban hành, rất nhiều người đã đưa ra ý kiến trái chiều. Có những chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực gây mê chia sẻ băn khoăn bởi không phải trường hợp sản phụ nào cũng có thể gây mê nội khí quản khi mổ đẻ.

gây tê tủy sống 1

Chỉ cấm áp dụng gây tê tủy sống cho một số trường hợp sinh mổ có nguy cơ xảy ra tai biến cao.

Trước những băn khoăn này, trao đổi với chúng tôi GS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh mọi người đang hiểu sai về quy định mới ban hành này của Bộ Y tế.

"Việc cấm gây tê tủy sống chỉ áp dụng đối với các sản phụ có nguy cơ tai biến bởi các bệnh lý. Các sản phụ có sức khỏe bình thường vẫn có thể thực hiện biện pháp này", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo phân tích của Thứ trưởng Tiến, kỹ thuật gây tê tủy sống đã được thực hiện từ lâu trên thế giới Tuy nhiên, với các trường hợp người mẹ có bệnh tim, huyết áp; nguy cơ chảy máu như: rau tiền đạo, sản giật, tiền sản giật; suy gảm chức gan, thận, phổi… các bác sĩ sẽ áp dụng gây mê nội khí quản.

Thực tế, ở Việt Nam hầu hết các bệnh viện đã thực hiện quy định này. Tuy nhiên qua theo dõi, giám sát và thẩm định tại nhiều địa phương vẫn còn những cơ sở y tế gây tê tuỷ sống mọi trường hợp. Chính vì thế Bộ đã ban hành quy định trên nhằm tránh sai sót đáng tiếc khi mổ đẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng chỉ rõ, nếu thực hiện gây tê tủy sống trong mọi trường hợp, thì cứ 10 ca có thể có 1 ca biến chứng như tụt huyết áp, chảy máu, ngừng tim...

Do đó để an toàn nhất cho sản phụ, Bộ Y tế có công văn chính thức, chuẩn hoá quy trình cho những trường hợp đặc biệt.

Cũng liên quan đến vấn đề này, BS Lưu Quốc Khải (Trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội), cho biết gây tê tủy sống còn gọi là gây tê dưới màng cứnghay tê dưới màng nhện.

Đây là một phương pháp gây tê vùng, thực hiện bằng cách đưa một lượng thuốc tê thích hợp vào khoang dưới màng nhện, thuốc tê sẽ hòa chung vào dịch não tủy và sẽ tác dụng vào các rễ thần kinh gây mất cảm giác, liệt vận động.

Do đó, biện pháp này chỉ được áp dụng với những sản phụ có sức khỏe ổn định. Đối với sản phụ có bệnh lý đặc biệt, các bác sĩ sẽ không sử dụng biện pháp này. Đây là điều đã được thực hiện từ lâu nhằm đảm bảo sức khỏe cho các sản phụ.

Lê Phương
Theo Khám Phá