Cuộc hhọp Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành như GS,TS Nguyễn Quốc Kính, Giám đốc Trung tâm Gây mê hồi sức – BV Hữu Nghị Việt Đức, TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu – BV Bạch Mai cùng nhiều chuyên gia đến từ BV Xanh Pôn, Thanh Nhàn.
Bệnh nhân tử vong sau gây mê ở bệnh viện Trí Đức vào ngày 25/12
Trên cơ sở diễn biến báo cáo của BV Trí Đức về hai ca tử vong sau gây mê tại BV này, các chuyên gia kết luận, quy trình gây mê và sử dụng thuốc gây mê cho hai bệnh viện này phù hợp với quy định của Bộ Y tế.
Cụ thể, các bệnh nhân được khám trước gây mê, lâm sàng và cận lâm sàng, thuốc Monitoring phù hợp trong phòng mổ, các thuốc dùng đủ, đúng liều quy định. Khi xảy ra sự cố, các bệnh nhân được bóp bóng và cấp cứu.
Việc Bệnh viện Đa khoa Trí Đức quyết định chuyển 2 bệnh nhân lên tuyến trên là hợp lý nhưng cần đáp ứng tiêu chuẩn vận chuyển an toàn người bệnh cấp cứu.
Đặc biệt, Hội đồng chuyên môn nhấn mạnh, các thuốc được sử dụng cho cả 2 người bệnh (ghi trong hồ sơ bệnh án của 2 người bệnh) là đúng loại, đúng liều, có trong danh mục thuốc của Bộ Y tế, được Việt Nam và trên thế giới sử dụng rộng rãi trong gây mê. Dù vậy, bất cứ loại thuốc nào cũng đều có tác dụng không mong muốn và nguy cơ gây sốc phản vệ.
Trên cơ sở đó, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội chẩn đoán nguyên nhân tử vong của 2 bệnh nhân ở Bệnh viện Trí Đức là: Suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp trong quá trình khởi mê, nghĩ nhiều đến sốc phản vệ mức độ nặng (phù hợp kết quả giải phẫu bệnh). Tuy nhiên chưa đủ thông tin lý giải tình trạng suy hô hấp cấp nổi trội hơn suy tuần hoàn ở cả 2 trường hợp trên.
Về quy trình mua bán thuốc, cấp phát thuốc, bảo quản thuốc của Bệnh viện Trí Đức do chưa có đủ thông tin nên Hội đồng chuyên môn chưa có đủ cơ sở để kết luận.
Kết luận của Hội đồng chuyên môn không nhắc gì tới trách nhiệm của Bệnh viện Trí Đức cũng như các thành viên của 2 kíp mổ.
Trước đó vào sáng 25/12, bệnh nhân Quách Thị Mai P. (sinh năm 1979, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) được chẩn đoán đa u 2 thùy tuyến giáp, có chỉ định phẫu thuật vô cảm bằng gây mê nội khí quản và anh Hoàng Văn T. (sinh năm 1982, Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) được đẩy vào phòng phẫu thuật sau ca của chị P. khoảng 30 phút để phẫu thuật nội soi xoang - cắt Amidal - chỉnh hình vách ngăn- nạo sùi vòm và cũng gây gây mê nội khí quản.
Tuy nhiên, chỉ sau 30 giây, cả 2 bệnh nhân đều có biểu hiện sốc phản vệ và được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhưng đã tử vong.