Thứ ba, 23/04/2024 | 22:38
RSS

Thủ phạm thực sự gây ra cái chết sau khi nhiễm Covid-19 là gì?

Thứ ba, 14/04/2020, 11:06 (GMT+7)

Theo nghiên cứu từ các chuyên gia y tế, virus Covid-19 không thực sự gây ra cái chết cho người nhiễm mà thủ phạm là một nguyên nhân khác.

Thủ phạm thực sự gây ra cái chết sau khi nhiễm Covid-19 là gì?
Thủ phạm thực sự gây ra cái chết sau khi nhiễm covid-19 là hệ miễn dịch của cơ thể. Ảnh VNE. 

Vấn đề khó khăn nhất với đại dịch Covid-19 hiện nay là các nhà khoa học và các bác sĩ chỉ hiểu về virus này luôn thay đổi theo ngày. Những thông tin này được đăng tải trên hàng trăm các báo cáo khoa học sơ bộ mà các bác sĩ tuyến đầu ít có thời gian để sàng lọc hết thông tin vì họ còn bận cứu sống bệnh nhân.

Một số chuyên gia băn khoăn liệu các nhà khoa học có đang đi quá nhanh trong cuộc chạy đua có chủ ý nhằm hiểu biết được đại dịch này không, thành ra gây hoang mang nhiều hơn. Một số người vẫn nói rằng “nó chỉ là cúm thường thôi mà” bất chấp bằng chứng cho thấy đây là một căn bệnh chết người có thể xảy đến với bất cứ ai, Dân trí dẫn nguồn từ Euro News cho biết. 

Khi đại dịch mới xảy ra, chúng ta được cung cấp thông tin rằng ho và sốt là những dấu hiệu chắc chắn của Covid-19. Còn bây giờ chúng ta biết rằng căn bệnh này có thể gây ra rất nhiều triệu chứng khác hẳn nhau và có khi lại hoàn toàn không có triệu chứng nào.

Người ta cho rằng khoảng 50% người nhiễm virus này không có triệu chứng, đây là một trong những yếu tố chính khiến cho căn bệnh có thể lây lan rất dễ dàng.

Nhiều chi tiết chính xác về căn bệnh này vẫn chưa được tìm ra. Các bác sĩ vẫn đang tìm cách chữa trị căn bệnh này gần như theo từng ca một cho dù hiện nay phác đồ điều trị đang được hoàn thiện dần.

Dưới đây là một số thông tin chính được các bác sĩ ở tuyến đầu cung cấp để giúp mọi người hiểu đúng hơn về căn bệnh, và biết vì sao nó lại nguy hiểm cho cộng đồng và cho hệ thống y tế của chúng ta.

Covid-19 diễn biến như thế nào?

Bác sĩ Roger Paredes, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Germans Trias i Pujol, Tây Ban Nha, cho biết có 3 giai đoạn nhiễm bệnh với các triệu chứng như sau:

Giai đoạn nhân bản virus: là khi virus nhân bản rất nhanh bên trong hệ hô hấp. Các triệu chứng lúc này giống với cúm thường và tự biến mất sau khoảng 6 đến 10 ngày. Điều này xảy ra với 80% bệnh nhân.

Giai đoạn tổn thương phổi: 20 bệnh nhân còn lại có thể sẽ bị viêm phổi. Đây là một dạng viêm phổi đặc biệt, nó tấn công cả hai lá phổi và gây ra suy hô hấp.

Giai đoạn bệnh nặng: khoảng 10% bệnh nhân sẽ xuất hiện “bão cytokine”, đây là một phản ứng viêm không thể kiểm soát của hệ miễn dịch và gây ra hầu hết các tình trạng nguy kịch mà cuối cùng sẽ là tử vong.

Bão cytokine, một hội chứng chưa được biết nhiều

Bác sĩ Parades nói rằng chúng ta gần như chưa biết gì về các cơ chế chính xác của bão cytokine. Phản ứng viêm là phản ứng tự nhiên của hệ miễn dịch. Phản ứng này cần thiết để chữa cho các tế bào bị tổn thương. Ở bệnh viêm phổi thông thường, các vi trùng tấn công tế bào phổi và hệ miễn dịch sinh ra phản ứng viêm để ngăn chặn vi trùng. Hệ miễn dịch tiêu diệt một số tế bào để chữa cho các tế bào khác. Điều đang xảy ra với virus corona hiện nay là thay vì gửi một vài tế bào đi thì hệ miễn dịch lại gửi “hàng tấn” tế bào dẫn đến phản ứng viêm không thể kiểm soát, không chỉ ở phổi mà còn khắp cơ thể.

Đối với Covid-19, yếu tố độ tuổi rất quan trọng. Độ tuổi bệnh nhân là chìa khóa để hiểu ai có nguy cơ cao nhất. Bác sĩ Paredes cho biết khoảng 70% bệnh nhân của ông là người già trên 70 tuổi và khoảng 10-15% là dưới 60 tuổi.

Các nhà khoa học tin rằng gen di truyền đóng vai trò chính trong các ca bệnh hiếm là những người trẻ tuổi gặp phải những hội chứng nói trên. Bác sĩ Parades cho biết khi bệnh nhân ở bất kì độ tuổi nào bị bão cytokine tấn công thì tình hình sức khỏe suy yếu đi vô cùng nhanh nên điều cực kỳ quan trọng là phải xác định được những dấu hiệu sớm.

Virus Corona ngụy trang nhằm qua mặt hệ miễn dịch

Theo nhật báo Independent, các nhà khoa học tại Đại học Southampton (Anh) đã dựng lên một mô hình về virus SARS-CoV-2 và tiết lộ loại virus này ngụy trang bằng một lớp lá chắn phân tử đường, có tên gọi glycan khi xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, lớp ngụy trang của chủng virus này không mạnh như những loại khác, ví dụ như HIV – virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch, TTXVN đưa tin.

Giáo sư Max Crispin – người đứng đầu nhóm nghiên cứu – cho biết mô hình của nhóm sẽ cung cấp thông tin “quan trọng và hữu ích” cho các nhà khoa học trong công cuộc chế tạo vắc-xin phòng COVID-19.

Giáo sư Crispin lý giải virus SARS-CoV-2 có nhiều gai mọc ra từ bề mặt, có tác dụng giúp virus bám chặt và xâm nhập vào tế bào cơ thể người. Những chiếc gai này được phủ một lớp phân tử đường glycan, giúp chúng che giấu những protein đặc trưng trước hệ miễn dịch của cơ thể. “Bằng cách phủ lên bản thân một lớp phân tử đường, những con virus này hoạt động như sói đội lốt cừu vậy”, Giáo sư Crispin so sánh.

“Tuy nhiên, một trong những phát hiện quan trọng khác trong nghiên cứu của chúng tôi là lá chắn của virus SARS-CoV-2 không mạnh như lá chắn của những loại virus khác. Những loại virus như HIV, tồn tại trong một vật chủ, liên tục phải trốn hệ miễn dịch và chúng có một vỏ bọc phủ đường dày đặc”, ông Crispin cho hay.

Nhà nghiên cứu này kết luận vì mật độ đường thấp hơn nên hệ miễn dịch cũng ít gặp khó khăn hơn trong việc vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 với kháng thể. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho các nhà khoa học trong quá trình phát triển vắc-xin.

Cho dù khoa học tiến bộ đến đâu thì việc cần làm để tránh nhiễm Covid-19 là ở nhà khi không có việc phải ra đường, rửa tay với xà phòng và các biện pháp giữ vệ sinh khác là những cách cơ bản để chống lại virus. 

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC