Thứ hai, 29/04/2024 | 21:08
RSS

Sự thật 'nghiên cứu' cảnh báo nguy cơ nhiễm Covid-19 khi chạy bộ, đạp xe

Thứ ba, 14/04/2020, 07:02 (GMT+7)

Khi thấy 'nghiên cứu' mô phỏng của mình về nguy cơ nhiễm Covid-19 khi chạy bộ, đạp xe lan truyền trên mạng xã hội với thông điệp sai lầm, giáo sư Bert Blocken đã lên tiếng đính chính.

Sự thật 'nghiên cứu' cảnh báo nguy cơ nhiễm Covid-19 khi chạy bộ, đạp xe
Khử khuẩn chống nguy cơ nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc Ảnh minh họa. Nguồn AFP.

Trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter và Reddit đang lan truyền một bức ảnh mô phỏng, ngụ ý virus corona có thể lan truyền xa hơn khoảng cách 2 mét khi bạn tập thể dục cùng người bệnh, cụ thể là khi bạn đi bộ, chạy hoặc đạp xe phía sau họ.

Bức ảnh này bắt nguồn từ một bài báo tiếng Hà Lan, và blog của một doanh nhân có tên Jurgen Thoelen trên trang Medium với tiêu đề: "Nghiên cứu của Bỉ và Hà Lan: Tại sao trong đại dịch Covid-19, bạn không nên đi bộ, chạy hoặc đạp xe phía sau một người khác", theo Chất lượng Việt Nam. 

Thoelen cho biết anh đã trích dẫn kết quả từ một "nghiên cứu" của Đại học KU Leuven và Đại học công nghệ Eindhoven, chứng minh những người đi bộ, chạy bộ hoặc đạp xe có thể hít phải giọt bắn của người đi phía trước mình ngay cả khi đã giữ khoảng cách 1-2 mét.

Nhưng sự thật của "nghiên cứu" này là gì? Một số nhà khoa học cho biết đó không phải là một nghiên cứu khoa học, và việc một doanh nhân diễn giải "nghiên cứu" này cho công chúng đã khiến mọi người hiểu sai về nó.

Các video mô phỏng được thực hiện bởi một nhóm 4 nhà khoa học đang công tác tại Đại học KU Leuven và Đại học Công nghệ Eindhoven, dẫn đầu bởi giáo sư Bert Blocken, một kỹ sư có chuyên môn về khí động lực học thể thao và không phải một bác sĩ, nhà nghiên cứu y sinh hay virus học.

"Khi bạn di chuyển, đi xe đạp hoặc đi bộ, bạn thực sự đang tạo ra một luồng khí phía sau thường được gọi là slipstream", tờ báo Hà Lan trích lời giáo sư Bert Blocken cho biết. "Thông thường trong thể thao, các vận động viên chạy bộ và đạp xe [phía sau] thường lợi dụng dòng slipstream của người phía trước để đi nhanh hơn".

Tuy nhiên, chính các dòng slipstream cũng sẽ phát tán những đám mây giọt bắn khi người phía trước thở, ho hoặc hắt hơi. Và người ở phía sau họ sẽ có nguy cơ hít phải chúng. Để đánh giá tác động của các dòng slipstream đối với những người tập thể dục cùng nhau, giáo sư Bert Blocken đã chạy thử một mô phỏng trên máy tính.

Kết quả, đám mây giọt bắn có thể được nhìn thấy rõ, chúng kéo dài về phía sau người đi bộ, ngay cả khi tốc độ chỉ là 4 km/h. Các giọt bắn lớn nhất (màu đỏ) khi người đi bộ hắt hơi hoặc ho. Nhưng trong hơi thở của họ cũng chứa các giọt bắn nhỏ. Các chấm đỏ trên hình ảnh đại diện cho các giọt bắn lớn nhất. Giáo sư Bert Blocken cho biết khi chạy qua đám mây đó, chúng vẫn có thể rơi vào quần áo của bạn.

Dựa trên mô phỏng của mình, ông khuyến cáo nếu bạn chọn ra ngoài tập thể dục trong đại dịch Covid-19, hãy đi bộ cách người phía trước ít nhất 4 mét. Khoảng cách nên là 10 mét nếu bạn chạy bộ cùng họ, và 20 mét nếu bạn đi xe đạp.

Jurgen Thoelen đã chộp lấy ý này của ông để đưa vào bài viết trên Medium của mình. Từ đó, phiên bản tiếng Anh và bức ảnh đã lan truyền khắp các mạng xã hội Reddit, Twitter và Facebook. Và mọi người cảm thấy họ không nên ra ngoài tập thể dục nữa, bởi các khoảng cách mà giáo sư Bert Blocken khuyến cáo dường như bất khả thi trong các đô thị.

Khi thấy mô phỏng của mình lan truyền với những thông điệp sai lầm, giáo sư Bert Blocken đã phải xuất bản một "white paper" (có thể hiểu đơn giản là một bài đính chính thông tin dễ gây hiểu lầm trên truyền thông).

Trong bài đính chính, giáo sư Bert Blocken thừa nhận các khuyến cáo của ông chỉ dựa trên mô phỏng về khí động học. Bởi không phải là một nhà virus học, giáo sư Bert Blocken không chắc chắn bạn có nguy cơ nhiễm Covid-19 nếu không tuân thủ nguyên tắc này hay không.

Mô phỏng của ông còn thiếu một số biến số, chẳng hạn như tốc độ bay hơi của giọt bắn dưới điều kiện nhiệt độ, độ ẩm ngoài trời, khả năng virus bị giết chết dưới ánh nắng hoặc tải lượng của chúng trong các giọt bắn của người bệnh Covid-19 khi họ đi tập thể dục. Thường những người bệnh còn có thể đi tập thể dục, nghĩa là họ không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

Thậm chí, giáo sư Bert Blocken chưa xuất bản bất kỳ một kết quả khoa học nào từ mô phỏng của ông. Vì vậy, nó không phải là một bằng chứng để khuyến cáo mọi người không nên ra ngoài tập thể dục trong đại dịch Covid-19.

Trong một diễn biến khác liên quan đến nghiên cứu về virus nCoV, theo chỉ đạo từ chính phủ Trung Quốc và các thông báo được hai trường đại học nước này đăng trên website, tất cả các bài nghiên cứu học thuật về Covid-19 sẽ được thẩm định thêm trước khi nộp cho đơn vị xuất bản, Vnexpress đưa tin. 

Các nghiên cứu về nguồn gốc của nCoV sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn và phải được các quan chức chính quyền trung ương phê chuẩn. Thông báo này sau đó đã bị xóa trên trang web của hai trường đại học Trung Quốc.

Một chuyên gia y tế ở Hong Kong, người từng hợp tác với các nhà khoa học đại lục để công bố một phân tích lâm sàng về các trường hợp nhiễm nCoV, cho biết ông không phải trải qua những quy định nghiêm ngặt như vậy khi thực hiện nghiên cứu hồi tháng 2.

Các biện pháp cẩn trọng này được xem như nỗ lực mới nhất của chính phủ Trung Quốc nhằm kiểm soát những bài viết về nguồn gốc của Covid-19, đại dịch đã khiến hơn 1,8 triệu người nhiễm và hơn 110.000 người chết kể từ khi khởi phát ở Vũ Hán hồi tháng 12/2019.

Kể từ cuối tháng một, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố một loạt nghiên cứu về Covid-19 trên những tạp chí y tế quốc tế có ảnh hưởng. Một số phát hiện sớm về các ca nhiễm nCoV, như thời điểm xuất hiện sự lây nhiễm từ người sang người đầu tiên, đã đặt ra câu hỏi về cách đánh giá đại dịch của chính phủ nước này cũng như gây ra tranh cãi trên mạng xã hội.

Hiện tại, giới chức Trung Quốc dường như đang siết chặt hơn việc công bố những nghiên cứu về Covid-19. Một nhà khoa học giấu tên của nước này e ngại động thái trên có thể sẽ cản trở những nghiên cứu quan trọng.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC