Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:26
RSS

Bệnh nhân Covid-19 biến chứng nặng vì béo phì và những nguy hiểm ít ngờ đến

Thứ ba, 14/04/2020, 06:41 (GMT+7)

Trong số những bệnh nhân mắc Covid-19, BN91 hiện diễn biến nặng và theo đánh giá của chuyên gia có thể do bệnh nhân bị béo phì. Béo phì gây nhiều hệ lụy và trong dịch bệnh COVID-19 càng nguy hiểm hơn.

Nhiều hệ lụy nguy hiểm từ béo phì

Hiện nay, Việt Nam đã ghi nhận 262 ca mắc COVID-19, trong đó, đã có 144 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Hiện cả nước còn 118 bệnh nhân nhiễm bệnh đang được điều trị. Phân nhóm bệnh nhân theo độ tuổi, trên 69 tuổi có 20 người, trong đó có 4 bệnh nhân nặng. 69 bệnh nhân từ 40 - 60 tuổi, trong đó số ca nặng ít hơn, chỉ có 2 ca phải thở máy.

Trong số các bệnh nhân, bệnh nhân 91 là phi công Hãng hàng không Vietnam Airlines đang phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể) ở TP.HCM. Theo TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nhận định, có nhiều yếu tố khiến bệnh chuyển nặng như độc lực của virus, bệnh nhân có thể bị bất thường trong hệ thống miễn dịch của cơ thể…

Do đó, cùng mắc một căn bệnh nhưng có người biểu hiện nhẹ, có người lại nặng và thậm chí tử vong. BN 91 cao 1,83m, nặng 100 kg có biểu hiện béo phì có thể là nhóm nguy cơ khiến bệnh diễn biến nặng. Điều này cũng phù hợp với các nghiên cứu khác.

PGS.TS Lê Bạch Mai – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, bất kì ai cũng có thể gặp phải tình trạng thừa cân, béo phì. Nguyên nhân chính của thừa cân béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao. Các chất dinh dưỡng được cung cấp quá nhiều mà sự tiêu hao lại quá ít dẫn đến tình trạng tích lũy mỡ.

Bệnh nhân COVID – 19 biến chứng nặng vì béo phì và những nguy hiểm ít ngờ đến
Béo phì làm gia tăng các bệnh lý và trong dịch bệnh COVID - 19 sẽ biến chứng nặng hơn nếu bị bệnh lý nền. Ảnh minh họa

Đa phần mọi người khi béo phì chỉ quan tâm ảnh hưởng về ngoại hình với dấu hiệu gia tăng trọng lượng và tích tụ mỡ khắp cơ thể, đặc biệt tại vùng eo, bụng, đùi... mà bỏ qua đến hệ lụy của chúng về sức khỏe Béo phì là nguyên nhân dẫn tới rất nhiều bệnh lý nguy hiểm như tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, bệnh túi mật và ung thư xương khớp.. Khi bị béo phì cũng gây hại đến dây thần kinh và các mạch máu nên người béo phì thường hay bị tê tay chân.

"Trẻ nhỏ bị béo phì càng nguy hiểm vì dễ dẫn tới béo phì khi trưởng thành, kéo theo đó là bệnh liên quan đến béo ph như sỏi mật, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp... Nữ giới còn làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung..." - PGS.TS Bạch Mai chia sẻ.

Khi bị béo phì sức đề kháng dễ bị suy giảm do tăng khả năng mắc các bệnh lý nhiều hơn. Trong đợt dịch COVID – 19 đã ghi nhận những người có bệnh lý nền thường có tỷ lệ bệnh nặng hơn các nhóm đối tượng khác. Béo phì trong thời điểm dịch COVID – 19 này càng nguy hiểm hiểm hơn.

Kiểm soát béo phì khi nghỉ dịch ở nhà

Dịch bệnh COVID – 19 kéo dài từ cuối năm và đến nay vẫn diễn biến phức tạp. Việc ở nhà nhiều để phòng chống dịch, nhiều gia đình dành phần nhiều thời gian ăn uống, có thời gian nghỉ ngơi thì vào internet, xem điện thoại, ngủ… mà ít vận động. Lối sống cộng thêm việc không cân đối dinh dưỡng dễ dẫn tới thừ cân béo phì sau khi nghỉ dài ngày.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng ngừa tình trạng béo phì sau thời gian nghỉ dịch, mọi người cần điều chỉnh lối sống, thay đổi chế độ ăn hợp lý. Ở nhà vẫn cần thường xuyên vận động thể lực, duy trì tập luyện đều đặn. Vận động thể lực dưới nhiều hình thức ít nhất 30 phút/ngày như đi bộ tại chỗ, chơi cầu lông, leo cầu thang… Trẻ ở nhà cũng cần khuyến khích vận động, làm việc nhà giúp tiêu hao nặng lượng, tăng cường sức dẻo dai.

Chế độ ăn trong ngày cần được cung cấp đầy đủ và cân đối thành phần các chất (bột, đường, đạm, béo, xơ), vitamin và muối khoáng. Tránh các thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol; thức ăn giàu năng lượng như đường mật, kẹo, bánh ngọt, chocolate, nước ngọt...

Hàng ngày mọi người nên tăng cường sử dụng gluxit có nhiều chất xơ như khoai củ, bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt... Tăng cường rau xanh 400g/ngày, quả chín 100-300g/ngày. Đặc biệt chú ý không nên tự ý mua thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc để tránh những tác động xấu đến cơ thể.

Phương Thuận
Theo Gia đình&Xã hội