Thứ sáu, 29/03/2024 | 12:46
RSS

Thông tin về các ca Covid-19 không triệu chứng, WHO mở họp báo đính chính

Thứ tư, 10/06/2020, 07:11 (GMT+7)

Phát biểu cho rằng các ca nhiễm Covid-19 không triệu chứng ít có khả năng lây bệnh, một quan chức cấp cao của WHO đã phải đính chính.

Gây tranh cãi về hông tin về các ca Covid-19 không triệu chứng, WHO mở họp báo đính chính
Theo bà Maria Van Kerkhove, phát biểu của bà đã bị hiểu lầm. Ảnh: abrice Coffrini/Getty.

 

Ngay trong chiều 9/6, WHO đã phải tổ chức một buổi họp báo trực tuyến khác để đính chính thông tin mà bà Maria Van Kerkhove đã phát biểu trong cuộc họp trước đó cho rằng các ca nhiễm Covid-19 không triệu chứng ít có khả năng lây bệnh.

Theo bà Maria Van Kerkhove, phát biểu của bà đã bị hiểu lầm.

Bà cho biết: “Điều tôi muốn nói trong buổi họp báo hôm 8/6 là hiện có rất ít nghiên cứu, mới chỉ có 2-3 nghiên cứu liên quan đến việc theo dõi các ca không triệu chứng, xem những người này đã tiếp xúc với bao nhiêu người và đã lây nhiễm thêm bao nhiêu người khác. Đây mới chỉ là một phần nghiên cứu rất nhỏ. 

Tôi nghĩ đã có sự hiểu lầm từ câu nói rằng việc lây nhiễm từ các ca không triệu chứng là rất hiếm, ý tôi là các nghiên cứu về việc này vẫn còn rất hiếm”.

Cũng theo bà Maria Van Kerkhove, hiện tại chưa có bất cứ nghiên cứu đầy đủ và chính xác nào về việc các ca không triệu chứng chiếm bao nhiêu % trong tổng số những ca nhiễm virus SARS CoV-2. Tuy nhiên, ước tính từ các mô hình dự đoán hay các nghiên cứu chưa được công bố cho thấy con số này dao động từ 6% cho đến 40%.

Ngoài ra, bà Van Kerkhove cũng cho biết có nhiều nghiên cứu chưa được công bố nhưng được các nhà khoa học chia sẻ với WHO, cho thấy, qua nghiên cứu một số ổ dịch thì ít có trường hợp người nhiễm không triệu chứng lây bệnh cho người khác.

Trước đó, trong buổi họp báo định kỳ tại trụ sở Tổ chức Y tế thế giới – WHO tại Geneva, Thuỵ Sỹ, chuyên gia về dịch bệnh và là người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của WHO, bà Maria Van Kerkhove đưa ra phát biểu rằng “việc lây nhiễm bệnh từ các ca nhiễm Covid-19 không có triệu chứng là rất hiếm”.

Gây tranh cãi về hông tin về các ca Covid-19 không triệu chứng, WHO mở họp báo đính chính
Người dân Vũ Hán trong cuộc chiến chống Covid-19

Thông tin này ngay lập tức gây nên tranh cãi trong giới khoa học cũng như lãnh đạo các nước. Đặc biệt, Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro trong sáng ngày 9/6 đã lập tức trích dẫn phát biểu của bà Maria Van Kerkhove để tuyên bố rằng “những người không triệu chứng sẽ không lây nhiễm” và thúc giục việc nhanh chóng mở lại mọi hoạt động của đất nước, bất chấp Brazil đang là một trong những vùng dịch nghiêm trọng nhất thế giới.

Trong một diễn biến khác, bà Gro Harlem Brundtland, 81 tuổi, cựu Thủ tướng của Na Uy và từng là Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ tháng 7/1998 đến tháng 7/2003; gần 2 năm qua là đồng chủ tịch của Global Preparedness Monitoring Board (Ủy ban Giám sát chuẩn bị ứng cứu toàn cầu) do WHO và Ngân hàng Thế giới thành lập đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trì hoãn thông báo dịch Covid-19, châu Âu xem thường virus!. 

Bà Brundtland nói: "Có lý do để phê phán Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đã hành động chậm chạp và thông báo tình hình dịch bệnh quá muộn. Điều tồi tệ nhất là họ mất quá nhiều thời gian mới thừa nhận virus truyền từ người sang người. Theo như chúng ta biết, ngay từ ngày 1/1/2020, Trung Quốc đã biết (virus corona mới) lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, Trung Quốc mãi đến ngày 20/1 mới chính thức công bố thông tin này. Một vấn đề khác là liệu có cố tình che giấu hay không. Trung Quốc là một nước lớn với nhiều nhóm lợi ích cạnh tranh, không chỉ giữa các tỉnh với nhau và giữa các tỉnh với Bắc Kinh. Vì vậy, phải cẩn thận xem xét mới có thể phán đoán”,

Phóng viên Der Spiegel đã hỏi “liệu WHO có bị Trung Quốc dắt mũi hay không”, bà Brundtland nói: "WHO cố gắng lấy được thông tin ở nhiều nơi, vì vậy cần phải dựa vào sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên vì WHO không có quyền hạn với các nước thành viên. Các chuyên gia của WHO đã thúc giục Trung Quốc ngay từ đầu để cố gắng thu thập được nhiều thông tin. Nếu gây áp lực nhiều hơn với Trung Quốc, liệu có phải là điều sáng suốt? Điều này thật khó nói”.

Brundtland cũng cho biết trong cuộc phỏng vấn rằng bà rất ngạc nhiên khi châu Âu phản ứng rất chậm với dịch bệnh. Bà nói: "Châu Âu đã mắc sai lầm. Nhiều người có trách nhiệm dường như quá lạc quan về khả năng y tế của đất nước họ. Họ rõ ràng đã đánh giá thấp sức lây nhiễm của virus corona mới”.

Theo Deutsche Welle, bà Brundtland cũng khen ngợi các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam, Mông Cổ vì phản ứng nhanh chóng và kiên quyết đối với dịch bệnh. Bà nói: "Ví dụ của họ cho chúng ta thấy rằng cần đặt tự do cá nhân sau sức khỏe của toàn dân”.

Kim Hảo (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN