Bà Carissa Etienne, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới phụ trách khu vực châu Mỹ. Ảnh: Reuters.
Ngày 2/6, bà Carissa Etienne, Giám đốc phụ trách khu vực châu Mỹ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi Mỹ tiếp tục giúp đỡ các quốc gia trong khu vực chống đại dịch Covid-19, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố cắt quan hệ với tổ chức này, theo kênh Channel News Asia.
Bà Etienne cho hay, gần ba triệu người trong khu vực đã nhiễm Covid-19. Đây là khu vực có sự bất bình đẳng lớn, các nhóm người bản địa dễ bị tổn thương ở khu vực rừng Amazon, các siêu đô thị có mật độ dân cư dày và giao thông công cộng đông đúc.
Phát biểu trong một cuộc họp từ xa, bà Etienne cho biết khoản đóng góp của Mỹ cho chi nhánh WHO ở châu Mỹ chiếm 60%. “Mỹ là bên ủng hộ tài chính lớn nhất cho PAHO trong nhiều năm qua và cũng là một đối tác quan trọng”, bà Etienne khẳng định.
Ông Trump hôm 29/5 tuyên bố cắt quan hệ với WHO sau khi cáo buộc tổ chức này là con rối của Trung Quốc Ông Trump còn cáo buộc WHO thúc đẩy các thông tin sai lệch của Trung Quốc về Covid-19. WHO đã nhiều lần phủ nhận.
Tính đến sáng 3/6, thế giới đã ghi nhận hơn 6,47 triệu người nhiễm Covid-19, hơn 382.000 người tử vong. Nhiều khu vực trên thế giới đang nới lỏng phong tỏa, nối lại các hoạt động kinh tế xã hội. Tình hình dịch bệnh tại khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt là tại tâm dịch Brazil, vẫn diễn biến đáng quan ngại.
Sylvain Aldighieri, Giám đốc cơ quan phản ứng khẩn cấp của WHO tại PAHO bày tỏ lo ngại đến sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 tại các bộ lạc người bản địa ở Amazon. Ông kêu gọi chính phủ các nước nên tăng cường giám sát các cộng đồng dân cư ở vùng xa, nơi ít được tiếp cận với hệ thống chăm sóc y tế.
Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Mỹ ngày 1/6 đã tài trợ 628 triệu USD cho công ty dược phẩm Emergent BioSolutions nhằm tăng công suất sản xuất loại vaccine ngừa SARS-CoV-2 đang nghiên cứu và có thể sẽ được đưa vào sử dụng.
Trong khi các công ty dược phẩm đang chạy đua để phát triển vaccine, dụng cụ xét nghiệm và thuốc điều trị thì Mỹ lại tìm cách bảo đảm công suất sản xuất vaccine theo chương trình Operational Warp Speed được thông báo hồi tháng 5/2020.
Đến nay, Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu y sinh học tiên tiến (BARDA)- cơ quan liên bang của Mỹ chuyên tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ phòng chống dịch bệnh đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào các loại vaccine và cung cấp tài chính cho hơn 30 dự án, trong đó có các dự án liên quan tới chẩn đoán và điều trị.
BARDA đã viện trợ tài chính cho Moderna Inc (công ty đầu tiên ở Mỹ bắt đầu thử nghiệm vaccine trên người), Sanofi, Johnson & Johnson và công ty dược phẩm AstraZeneca Plc (Vương quốc Anh).