Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:18
RSS

Thịt trâu gác bếp – món ăn khoái khẩu mang về tiền tỷ cho người dân Yên Bái

Thứ sáu, 20/01/2017, 18:43 (GMT+7)

Thớ thịt trâu màu nâu hồng bắt mắt, khi ăn sẽ cảm thấy hơi hăng hắc vị của khói ám lâu ngày. Với mức giá khoảng một triệu đồng mỗi kg, thịt trâu gác bếp mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho nhiều hộ gia đình Yên Bái.

Du lịch đến vùng núi cao Tây Bắc, trong bữa cơm rượu đãi khách của chủ nhà, bạn sẽ bị hấp dẫn bởi món thịt trâu gác bếp (còn gọi là thịt trâu xông khói) rất đặc biệt.

Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen. Thịt được làm từ bắp của những con trâu nhà thả rông trên vùng núi đồi Tây Bắc. Ngày nay, thịt trâu khô hay thịt trâu gác bếp của người Tây Bắc trở thành món ăn được giới thiệu tới đông đảo du khách thập phương.

Nắm bắt lợi thế kinh tế của mặt hàng này, một số hộ gia đình tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã mở cơ sở chế biến, cung cấp thịt trâu gác bếp với thương hiệu thịt trâu Nghĩa Lộ - Theo Vnexpress.

Sản phẩm thịt trâu Nghĩa Lộ được đông đảo người tiêu dùng yêu thích (Ảnh internet)

Để làm được một mẻ thịt trâu gác bếp thành phẩm theo phương pháp truyền thống, người dân mất từ 2 đến 3 tháng để hoàn thiện các công đoạn từ chế biến, tầm ướp và làm chín. Để làm ra một tạ thịt trâu khô, mỗi cơ sở chế biến có thể mất cả nửa năm.

Để tăng sản lượng thịt trâu thành phẩm mà không làm mất đi hương vị đặc trưng vốn có, người dân Nghĩa Lộ đã nghĩ ra cách làm chín thịt trong bếp lò đốt bằng củi rừng. Cụ thể, sau khi tẩm ướp gia vị, thịt được đốt liên tục bằng bếp lò đến khi chín.

Cách này giảm thời gian chín của sản phẩm xuống chỉ còn 10 ngày. Nhờ thiết kế bếp lò kín hơn so với bếp đun thông thường, đồng thời nhiệt độ liên tục được duy trì ở mức cao vừa nên thịt chín nhanh hơn lại vẫn có mùi khói bếp đặc trưng.

Sinh ra, lớn lên và gắn bó với mảnh đất Yên Bái, chị Trương Thị Hải Yến (hiện là chủ cơ sở làm thịt trâu Nghĩa Lộ) luôn mong muốn duy trì nghề làm thịt trâu gác bếp truyền thống của người Thái như một nét ẩm thực riêng của vùng đất này.

Theo lời kể, cụ của chị vốn là người Kinh, ngày nhỏ được một gia đình người Thái nhận nuôi nên mới biết cách làm món thịt trâu gác bếp. Từ đời cụ truyền qua đời ông, đời mẹ và đến đời chị, cách làm món đặc sản này vẫn duy trì theo cách truyền thống của người Thái.

Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen (Ảnh internet)

Với việc thay đổi phương thức chế biến này, cơ sở của chị có thể sản xuất được 6 tạ thịt trâu khô mỗi tháng thay vì 1-2 tạ trong 2-3 tháng như trước. Như vậy, tổng sản lượng thịt trâu khô bình quân hàng năm của cơ sở đạt khoảng 7 tấn.

Hiện, gia đình chị bán 2 loại thịt trâu khô với 2 mức giá. Loại thịt sấy chín 80% giá khoảng 700.000 đồng một kg, loại thịt sấy chín 100% giá từ 850.000 đồng đến một triệu đồng một kg. Thu nhập bình quân của gia đình chị lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp, việc áp dụng phương thức chế biến bằng bếp lò giúp cho các cơ sở tại Nghĩa Lộ có thể cung cấp đến hàng chục tấn sản phẩm một năm.

Với mức giá trên thị trường từ 800.000 đồng đến một triệu đồng một kg, thịt trâu khô đã mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho nhiều hộ gia đình Yên Bái. Nhờ cách làm mới mà lượng thịt trâu gác bếp Nghĩa Lộ được bà con sản xuất ngày một nhiều, trong khi đó, chất lượng vẫn được đảm bảo.

An Bình (t/h)
Theo Đời sống Plus