Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:56
RSS

Gặp tỷ phú làm giàu từ cây phật thủ

Thứ sáu, 20/01/2017, 07:05 (GMT+7)

Làng Đắc Sở ở Hoài Đức - Hà Nội nổi tiếng là nơi có nhiều người giàu lên từ trồng phật thủ. Trong số tỷ phú, một người được mệnh danh là “không đối thủ”.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, làng Đắc Sở cung cấp ra thị trường cả nước hàng trăm nghìn quả phục vụ việc thờ cúng. Nhiều người dân ở đây sau khi chuyển đổi cây trồng đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đến Đắc Sở, hầu như những người trồng Phật thủ ai cũng biết đến anh Nguyễn Phú Dũng, người làm phật thủ bonsai nổi tiếng “không  đối thủ” về độ đẹp của cây. Thu nhập của gia đình anh Dũng cũng là con số khiến nhiều hoang phí.

Anh Nguyễn Phú Dũng là người đi tiên phong trong việc trồng Phật Thủ làm giàu ở làng Đắc Sở (Ảnh Zing)

Anh Dũng là người đi đầu tại Đắc Sở tìm tòi và trồng phật thủ bonsai. Trải qua nhiều năm, những gốc phật thủ của anh đẹp dần và được thị trường đón nhận. Mỗi năm, trung bình anh cho ra thị trường khoảng 200-300 gốc phật thủ bonsai với giá trị lên đến trên 1 tỷ đồng.

Khi anh Dũng cho ra thị trường những gốc phật thủ bonsai đầu tiên, nhiều khách hàng bị thu hút. Phật thủ vốn là loại quả được ưa chuộng thờ cúng dịp Tết nhưng loại bonsai vừa có thể thờ cúng, lại vừa là loại cây chưng tết lạ mắt và ý nghĩa.

Anh Hoàng Minh, một lái buôn cây cảnh tại Long Biên (Hà Nội) cho biết anh đã tìm mua phật thủ cảnh tại gia đình anh Dũng được 2 năm nay. Cũng theo anh Minh: "Mỗi năm, tôi thường nhập 20-30 gốc về phân phối tại Hà Nội và bán được khá. Khách hàng của tôi đều đánh giá hàng đẹp và đặt hàng từ trước Tết cả tháng", anh Minh cho biết thêm.

Hiện tại, anh Dũng bán mỗi gốc phật thủ bonsai với giá trung bình 2-5 triệu đồng. Anh cũng làm nhiều gốc nhỏ với giá trên dưới 1 triệu đồng đáp ứng khách hàng bình dân.

Vườn phật thủ mang lại cho anh Dũng thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm (Ảnh Zing)

Với 200-300 gốc cung ứng ra thị trường hàng năm, anh Dũng phải phân phối đi nhiều tỉnh thành phố khác nhau trên cả nước do số lượng khách hàng đặt mua rất lớn. Từ rằm tháng chạp, vườn phật thủ bonsai tiền tỷ của anh nhộn nhịp xe ra vào để chở đi các nơi phân phối.

Đáng chú ý, trong vườn còn có những gốc bonsai to với nhiều thế đẹp giá hàng chục triệu đồng. Anh Dũng cho biết gốc có giá cao nhất anh từng bán lên đến 30 triệu đồng. Tuy nhiên, đó là những gốc anh rất thích nên chỉ bán cho người quen với giá “hữu nghị”.

Nhận thấy thị trường có quá nhiều người trồng phật thủ quả, anh Dũng bắt đầu đi tìm hướng đi mới. Trong một lần tìm hiểu về phật thủ tại Trung Quốc anh vô tình nhìn thấy một cây bonsai tuy nhỏ nhưng lại rất đẹp. Anh Dũng bắt đầu nghiên cứu tìm tòi và làm thử phật thủ bonsai từ những cây lấy quả trong vườn nhà mình.

Theo anh Dũng, phật thủ là loại cây không khó chăm sóc và mang lại giá trị kinh tế cao (Ảnh internet)

Anh Dũng tâm sự: “Vào dịp Tết năm 2013, tôi bắt đầu chào bán ra thị trường những gốc bonsai đầu tiên. Nhưng vì là người đầu tiên, quy chuẩn về cái đẹp rất khó hình dung nên tôi vẫn chưa hài lòng dù thị trường đón nhận. Tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu về bonsai, học hỏi các thế cây, dáng cây bonsai của chuyên gia rồi áp dụng với phật thủ”.

Anh dùng phần lớn thời gian trong năm trong việc tạo dáng cây sao cho đẹp nhất, gọi là cây phôi. Cây phật thủ bonsai vừa có dáng đẹp, quả cũng rất bắt mắt. Thậm chí, khách hàng muốn thêm bớt số lượng quả cũng rất dễ dàng.

Tay nghề của anh lên cao dần, nhiều người dân tại Đắc Sở mệnh danh anh Dũng là người “không có đối thủ” về làm phật thủ bonsai. Trung bình mỗi vụ Tết, phật thủ bonsai đem lại cho anh Dũng trên dưới 1 tỷ đồng.

An Bình (t/h)
Theo Đời sống Plus