Thông tin về vụ sạt lở núi ở xã Trà Mai (H.Nam Trà My) được ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xác nhận với báo Thanh Niên vào sáng 30/10. Theo đó, một vụ sạt lở núi vừa xảy ra ở xã Trà Mai (H.Nam Trà My) đã vùi lấp 2 người, may mắn một người thoát nạn, còn một người bị vùi lấp.
Ông Châu Minh Nghĩa chủ tịch xã UBND Trà Mai (H.Nam Trà My), cho biết thêm, hiện địa phương đang huy động 100% lực lượng của địa phương để tìm kiếm tung tích nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở núi. Trên địa bàn đang xảy ra mưa lớn cùng với hàng loạt điểm sạt lở nên công tác để tiếp cận hiện trường đang vô cùng khó khăn.
Theo ông Nghĩa, chiều 29/10, hai người dân đi kiểm tra kho thóc dữ trữ của người dân trên núi tại thôn 3 thì không may xảy ra sạt lở núi khiến 2 người bị vùi lấp.
Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đến tối ngày 29/10, địa phương đã có 21 người dân tử vong do sạt lở tại huyện Nam Trà My, Bắc Trà My và Phước, 24 người mất tích trong các vụ sạt lở núi, ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 45 người bị thương.
Sau Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, chiều và tối 28/10, 4 vụ sạt lở đất kinh hoàng cũng đã xảy ra ở Quảng Nam gây thiệt hại rất nghiêm trọng. Bắt đầu từ chiều 28/10, khoảng 14h, khi trời đang mưa lớn, bất ngờ đất đá đổ sập xuống thôn 1, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My. Cùng thời điểm đó, ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, nửa quả đồi ập xuống thôn 1, vùi lấp toàn bộ nhà cửa, đường xá. Đến 16h cùng ngày, tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn xảy ra tiếp một vụ sạt lở núi.
Đến 20h, vụ sạt lở thứ 4 xảy ra ở thôn Tà Làng, xã Ba Lê, huyện miền núi Tây Giang. Ngọn núi cao gần 500m đã đổ sập xuống sông A Vương, tràn qua taluy âm, vùi lấp 1 nhà dân nằm sát đường Hồ Chí Minh, cách ngọn núi khoảng 1km. May mắn, 8 thành viên trong gia đình khi nghe tiếng nổ lớn đã nhanh chóng chạy ra ngoài, thoát chết trong gang tấc.