Lớp học ở bản Suối Tôn, xã Phú Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa).
Giờ đây, mái tóc đã ngả màu phấn trắng, sắp về hưu nhưng thầy vẫn lặn lội vào bản xa xôi, heo hút để động viên học trò tới lớp.
Chuyến công tác lên vùng cao, biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa), tôi được Phòng GD&ĐT huyện giới thiệu về thầy Hàn Thế Vượng - người đã có thâm niên hơn 3 thập kỷ “cắm bản”. Thầy Vượng đang công tác tại Trường Tiểu học Phú Sơn (Quan Hóa). Tôi quyết định tìm đến ngôi trường này để gặp thầy.
Khi nghe tôi đề xuất vào điểm lẻ xa nhất của trường - điểm trường Suối Tôn, bản người Mông duy nhất ở vùng này - thầy Vượng không ngần ngại, bảo: “Cung đường từ đây vào Suối Tôn khoảng chừng 15 cây số. Đường bây giờ không còn khó như trước nữa, nên mình sẽ chở nhà báo đi bằng xe máy cho tiện”.
Trên đường đi, thầy Vượng thông tin, bản Suối Tôn là nơi sinh sống của bà con người Mông. Bà con di cư từ các tỉnh phía Bắc vào cách đây hơn 20 năm. Ngày ấy, khi đồng bào di cư từ Yên Bái, Sơn La về các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, thì có vài chục người chọn nơi thượng nguồn con Suối Tôn để cư ngụ. Sau hơn 20 năm lập bản, giờ đây bà con đồng bào ở Suối Tôn đã có cuộc sống đổi thay đáng kể. Học sinh chăm ngoan, các con đến trường rất đều đặn.
Học sinh nữ ở điểm trường Suối Tôn.
Trước kia, bản Suối Tôn là chốn “nhiều không”. Không điện, không đường, không trường, không hàng quán, không sóng điện thoại... Những năm 2010 trở về trước, cuộc sống của người dân ở đây vô cùng cực khổ. Bà con muốn xuống trung tâm xã, thì phải đi bộ chừng vài giờ đồng hồ. Trong khi đó, giáo viên miền xuôi hoặc người ở các xã trong huyện được điều động lên Phú Sơn cắm bản, hầu hết phải ở lại nhiều ngày mới xuống một lần. Bởi lẽ, địa hình của xã Phú Sơn lại nằm biệt lập bên bờ tả sông Mã.
Khoảng hơn nửa giờ chạy xe máy, thầy Vượng đã đưa tôi đến điểm trường lẻ ở bản Suối Tôn. Nhìn thấy thầy hiệu trưởng vào thăm lớp, nhiều học sinh chạy ra vòng tay trước ngực chào thầy rất lễ phép. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, thầy Vượng cười tủm tỉm, nói nhỏ: “Bây giờ học sinh ở đây khác xưa nhiều lắm rồi. Các cháu ngoan, mạnh dạn và rất chăm chỉ đến trường. Đặc biệt, nhờ cách luyện âm của các thầy, cô giáo rất khoa học, nên học sinh phát âm cũng đã khá chuẩn trong môn tiếng Việt”.
Thầy Lê Xuân Đông (47 tuổi), trưởng khu lẻ Suối Tôn, cho biết: Điểm trường có 67 học sinh và được bố trí 4 giáo viên cắm bản. “Hiện tại, do thiếu cơ sở vật chất, số lượng học sinh ít (lớp 5 có chỉ 10 em và lớp 4 chỉ có 12 em), nên chúng tôi đang phải dạy 1 lớp ghép 4 và 5. Mặc dù bản đang khó khăn, nhưng tỷ lệ học sinh đến lớp luôn đạt 100%. Các em rất chăm học và nghe lời thầy, cô. Bà con ở đây luôn coi các thầy, cô như người con của bản, nên anh chị em cũng rất vui và yên tâm công tác”, thầy Đông chia sẻ.
Thầy Hàn Thế Vượng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Sơn ân cần bên học sinh.
Năm 1989, sau khi tốt nghiệp Trung học Sư phạm (12+2) Thanh Hóa chàng trai trẻ Hàn Thế Vượng vừa tròn 20 tuổi, được phân công lên công tác tại Trường Phổ thông cơ sở (PTCS) Mường Chanh (Mường Lát).
Nhớ lại những ngày đầu vào nghề “gõ đầu trẻ”, thầy Vượng kể: Lúc ấy đang sung sức trai trẻ, nên không quản ngại đường xa. Thầy sinh ra, lớn lên ở xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương, được cha, mẹ nuôi ăn học trong điều kiện khốn khó. Khi đi học Sư phạm, thầy Vượng cũng chỉ quanh quẩn ở thị xã Thanh Hóa, rồi về Quảng Văn với cha, mẹ chứ đâu đã biết vùng viễn xứ xa xôi, khổ ải ra sao. Vì thế, khi tốt nghiệp Trung học Sư phạm, được điều động lên xã Mường Chanh (cách TP Thanh Hóa 300km), thì cứ hăng hái lên đường.
“Lúc bấy giờ, cấp trên thông báo là, nam giới thì lên công tác dăm năm, còn giáo viên nữ chỉ ba năm sẽ được bố trí trở về quê. Vì thế, ai cũng hăng hái lên đường, với tâm nguyện cống hiến sức trẻ, chứ không ngại gian khó. Anh em chúng tôi ai nấy cũng đều rất khí thế. Nhưng rồi, khi được xe ca đưa lên đến Hồi Xuân (Quan Hóa), và bắt đầu hành trình về trường công tác, thì mới thấm thía thế nào là vùng cao, biên giới”, thầy Vượng tâm sự.
Nhắc lại câu chuyện lên Trường Phổ thông cơ sở Mường Chanh, thầy Vượng dí dỏm: “Mình thuộc diện cao số lắm đấy, nếu không thì “toi” rồi! Ngày ấy, dịch sốt rét hoành hành khủng khiếp. Kỷ niệm mà mình không thể quên được là chuyến cuốc bộ 15 ngày từ Hồi Xuân (Quan Hóa) lên xã Mường Chanh.
Cung đường từ Hồi Xuân lên Mường Chanh dài gần 150 km. Mình và đồng nghiệp đi bộ từ ngày 8/9/1989, mà tới ngày 23/9 mới lên đến trường. Khi lên nhận công tác rồi, 6 tháng sau mới có dịp về thăm gia đình”.
Thầy Vượng kể tiếp: “Điều kiện lúc đó, có lẽ bây giờ không thể tả được nó khó khăn, cơ cực đến mức nào. Có lần, mình về thăm nhà, nói thật là cũng đã hơi nản chí. May sao, bố mình là bộ đội, ông bảo: ‘Các con chưa thể khổ bằng bố được. Các con không phải ra chiến trường như bố, thì chưa thể nói là vất vả. Con hãy cứ đi đi. Người ta sống được, thì mình không thể chết đâu mà lo’. Vì những câu nói của bố, mà mình sốc lại tinh thần rồi tiếp tục trở lên trường để dạy chữ cho bọn trẻ ở nơi xa nhất tỉnh”, thầy Vượng bộc bạch.
Công tác ở Trường Phổ thông cơ sở Mường Chanh được 1 năm, tháng 9/1990, thầy Vượng được điều động về công tác tại Trường PTCS Phú Lệ (Quan Hóa). Năm 1991, thầy Vượng đi học ở Trường Cán bộ quản lý giáo dục rồi được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Phú Lệ. Tháng 9/1992, cấp trên bổ nhiệm thầy Vượng làm hiệu trưởng, nhưng lên tận Trường PTCS Trung Sơn (cũng cách thị trấn Quan Hóa ngót nghét trăm cây số).
Học sinh người Mông đến lớp.
Những năm tháng ở Trung Sơn là cơ cực nhất. Dịch sốt rét hoành hành khủng khiếp. Có những ngày, thầy Vượng và những giáo viên của trường chứng kiến một bản mất tới 13 người vì sốt rét. “Chính tôi cũng bị sốt rét hành hạ, tưởng như không giữ được mạng sống. Đau lòng nhất là ở trường tôi có một cô giáo phải bỏ mạng vì sốt rét ác tính. Ngày ấy, lương của tôi chỉ được 39.600 đồng/tháng, thế nhưng giá của một viên thuốc trị sốt rét (Kí ninh) lên tới 5.000 đồng, mà không có hàng để mua”, thầy Vượng chia sẻ.
Một câu chuyện buồn thương nữa, mà tới bây giờ thầy giáo Vượng vẫn luôn canh cánh trong lòng. Đó là trường hợp thầy giáo Đỗ Quang Bằng, giáo viên Trường PTCS Trung Lý. Khi thầy Bằng lên nhận công tác năm 1992, lúc qua đò vượt sông Mã từ bản Co Cài (Trung Lý) để về bản Tài Chánh (xã Mường Lý ngày nay), thì thầy Bằng bị nước cuốn đi khi cố gắng cứu thuyền và đồng nghiệp.
Thi thể thầy Bằng trôi xuống địa phận Trung Sơn, mắc vào một hốc đá. Khi mọi người phát hiện được, thi thể đã phân hủy nặng. Lúc vớt thầy Bằng lên, thầy Vượng và đồng nghiệp phải dùng áo mưa bọc lại để đưa đi chôn cất. Mãi về sau, gia đình mới có điều kiện lên sang cát, rồi đưa thầy Bằng về quê.
Cảm thương sự ra đi của đồng nghiệp, thầy giáo Vượng và đồng nghiệp đã làm một bộ hồ sơ, đưa đi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, với mong mỏi Nhà nước có chính sách gì đó ghi công cho thầy và những giáo viên đã nằm lại ở vùng rừng sâu, núi thẳm. Thế nhưng, đến bây giờ, điều đó vẫn chưa được ghi nhận.
“Trong tâm chúng tôi luôn khắc khoải và luôn nghĩ đến điều đó mỗi khi nhắc tới chuyện này. Quả thực, khi thầy Bằng nằm xuống, ở lứa tuổi ấy thời bấy giờ, tôi tin thầy ấy còn chưa được một lần nắm tay bạn gái. Sự ra đi của những thầy, cô giáo ở thời điểm ấy, khiến chúng tôi đau xót vô cùng”, giọng thầy Vượng chùng xuống, đôi mắt hoen đỏ.
Ngồi trò chuyện với thầy Vượng, tôi mới hiểu được lý do vì sao thầy tình nguyện ở lại với học trò vùng cao. Thầy bảo rằng, đã sống mấy chục năm ở trên này với bà con rồi, và họ rất yêu quý thầy. Hơn nữa, bây giờ có muốn về xuôi, thì cũng chẳng được vì không có điều kiện. Chi bằng, cố gắng vài năm nữa rồi xin về hưu trước tuổi.
“Vợ, con mình ở quê cũng vất vả lắm. Hiện nay, vợ mình là giáo viên mầm non. Một tay cô ấy nuôi các con khôn lớn và chăm sóc bố, mẹ già. Nhiều lúc, vợ mình hay nói đùa rằng “tại sao anh không về xuôi, mà cứ ở trên đó mãi? Hay đã có người nào sinh con, đẻ cái cho anh rồi?”. Biết là vợ nói đùa, nên mình lại càng thương vợ hơn. Bởi, mình không có điều kiện như người khác để xin chuyển công tác về xuôi. Những lúc như thế, mình cũng chỉ biết động viên và mong cô ấy thông cảm, để mình hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hồi năm 2018, lúc đi xe máy vào điểm trường, không may bị ngã, mình bị gãy 3 chiếc xương sườn. Nghe tin, cô ấy tất tưởi thuê xe chạy lên đưa chồng về chữa trị, chăm sóc. Đến khi bình phục, biết không cản được, đành phải để chồng tiếp tục ngược lên trường. Thực lòng, lũ học trò ở vùng cao này thiệt thòi và đáng thương lắm. Ngược lại, chúng cũng rất yêu quý thầy, vì mình giao tiếp được bằng tiếng Thái, nên không tạo ra khoảng cách, bất đồng ngôn ngữ. Vì thế tình thầy, trò càng khăng khít hơn, kể cả với bà con đồng bào cũng vậy”, thầy Vượng bộc bạch.
Công tác ở Trung Sơn đến năm 1998, thầy Vượng được điều chuyển về Trường Tiểu học Phú Lệ, rồi về Trường Tiểu học Phú Xuân. Tháng 12/2018, thầy được phân công lên Trường Tiểu học Phú Sơn và công tác ở đây đến bây giờ.
Thầy Vượng là một gương nhà giáo đáng kính, xứng đáng để nhiều người noi theo. Dù đã lớn tuổi, nhưng thầy ấy vẫn cần mẫn, tâm huyết với sự nghiệp trồng người cho trẻ vùng cao. Tình cảm ấy, lối sống ấy thật đáng trân quý biết bao. - Ông Nguyễn Tuấn Anh (Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn). |