Hoàng Sơn (ngoài cùng bên trái) là bạn gần nhà, cùng lớp, chở Nhật Minh đến trường nhiều năm qua.
Đã có lúc em tuyệt vọng, thấy “sốc” khi chân không cử động, không cảm giác nữa. Nhưng bằng ý chí và nghị lực, em đã đứng dậy, trở lại trường học tập, vươn tới ước mơ, để nghị lực tỏa sáng như chính cái tên của mình.
Đinh Nguyễn Nhật Minh, lớp 12D1, là cậu học trò “không lớn lên” ở ngôi Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An). Em sinh ra khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng căn bệnh hiểm nghèo năm lớp 4 đã khiến em không tiếp tục lớn lên được nữa. Đôi chân teo nhỏ và bước đi tập tễnh... Thế nhưng, cách đây 3 năm, Nhật Minh là một trong những thí sinh có điểm đầu vào lớp 10 cao của Trường THPT Hà Huy Tập. Cùng năm đó, em đạt thủ khoa học sinh giỏi cấp trường môn Tiếng Anh. Điều này đã khiến thầy cô giáo và bạn bè ngạc nhiên, dành sự khâm phục đối với cậu học sinh “nhỏ bé”.
Nhật Minh chia sẻ, em thích học tiếng Anh từ nhỏ, vì tò mò, hứng thú với ngôn ngữ mới. Nhưng lên THCS, em mới bắt đầu có chút thành tựu khi được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi TP Vinh. Dù chỉ đạt giải Khuyến khích, song đó là động lực để em theo đuổi tiếng Anh nghiêm túc hơn, với mục tiêu cao hơn ở cấp THPT. Em hầu như không học thêm ngoài, mà chủ yếu ôn tập với thầy cô giáo ở trường. Phần lớn thời gian Nhật Minh tự học ở nhà, làm nhiều bài tập để luyện ngữ pháp, đọc sách báo bằng tiếng Anh để luyện đọc hiểu. Một trong những kênh học tiếng Anh đặc biệt của Minh là qua… game.
“Có lẽ do hoàn cảnh của em khá đặc biệt nên bố mẹ không cấm em chơi game. Ngoài thời gian đến trường, em chủ yếu ở nhà một mình vì bố mẹ đi làm, chị gái đi học xa. Những lúc ấy, em chơi game như một cách để giải tỏa cảm xúc và nói chuyện với các bạn trong game, chủ yếu bằng tiếng Anh. Khoảng thời gian đó em rèn luyện thêm phản xạ nghe nói và học được khá nhiều từ mới”, Nhật Minh kể.
Kể về quá trình ôn tập dự thi các kỳ thi quan trọng của năm lớp 12, Đinh Nguyễn Nhật Minh cho biết: Thực ra em có đi học thêm một thời gian rất ngắn ở một trung tâm ngoại ngữ nhưng học phí quá cao và điều kiện gia đình không cho phép nên em nghỉ. Sau đó, em tự tải đề miễn phí trên mạng
Internet về làm, xem các clip để luyện kỹ năng nghe, nói. Bạn bè cũng giúp đỡ em rất nhiều khi chia sẻ tài liệu học tập, nguồn đề thi… Phần bài luận em hỏi cô và học thêm ở đội tuyển ôn thi học sinh giỏi. “Vì lệ phí thi IELTS cũng đắt, gần 5 triệu/lần nên em xác định mình chỉ thi 1 lần và nỗ lực để có kết quả cao nhất”. Sự nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng với 7.5 điểm IELTS, gồm điểm thành phần lần lượt là nghe - đọc đều đạt 8.5; phần thi nói đạt 7.0 và phần thi viết là 6.0.
Hoàn thành kỳ thi lấy chứng chỉ IELTS, Nhật Minh cũng bước vào kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh lớp 12, đem về giải Nhì cho Trường THPT Hà Huy Tập. Kết quả này không đơn thuần chỉ là thành tích, mà là nghị lực vượt lên nghịch cảnh, làm chủ bản thân của một cậu học trò có số phận không may mắn.
Thầy Cao Thanh Bảo – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập khen thưởng Nhật Minh vượt nghịch cảnh đạt kết quả tốt trong học tập.
Nhật Minh là con thứ hai trong gia đình bố mẹ làm công nhân kỹ thuật ở ga Vinh. Nhắc về biến cố lớn của cuộc đời mình, đến giờ nam sinh lớp 12 đã có thể bình tĩnh đối diện. Em kể, cơn đau mỏi chân bắt đầu xuất hiện từ năm lớp 4 và ngày một nặng hơn. Bố mẹ đưa em đi khám thì bất ngờ biết em bị u xương sống lưng, chèn vào dây thần kinh dẫn đến đau chân.
Đến năm lớp 6 thì em đã không còn đi lại được nữa, hai chân mất cảm giác, tê liệt. Mọi hy vọng của em và gia đình đặt vào ca phẫu thuật nhưng tỷ lệ thành công chỉ là 10%. “Trước khi lên bàn mổ được bác sĩ, bố mẹ nói rõ tình trạng của mình để chuẩn bị tinh thần. Em rất sốc và sợ mình sẽ nằm liệt giường. Trong trí nhớ, ca phẫu thuật đó rất dài và khi tỉnh lại sau cơn mê, em đã gọi mẹ: “Mẹ ơi, chân con có cảm giác rồi”! Lúc đó em mừng lắm”, Nhật Minh kể lại.
Ngày tháng sau đó là một hành trình đầy vất vả, đau đớn, không ít nước mắt và những lần muốn bỏ cuộc để tập luyện phục hồi chức năng cho đôi chân đã bị teo cơ. Ký ức đó đã được Nhật Minh trải lòng trong clip dự thi Đại sứ văn hóa đọc - với cuốn sách đã làm thay đổi cuộc đời mình - “Làm bạn với bầu trời”. “Các bạn có biết tại sao mình từ bỏ chiếc nạng của mình, ngay từ bây giờ và tại đây không?... Đó không phải là vì một cái kết có hậu như nhiều truyện ngắn khác của Nguyễn Nhật Ánh, mà là vẻ đẹp toát ra từ nhân vật Tèo”!.
Tèo là tên nhân vật chính trong cuốn sách - cậu bé bất hạnh sinh ra đã không biết bố mình là ai, mẹ bỏ đi. Số phận lại éo le khi Tèo gặp một tai nạn khủng khiếp dẫn đến chấn thương cột sống, buộc cậu phải nằm một chỗ. Kể từ đó cuộc sống của Tèo chỉ xoay quanh chiếc giường kê cạnh cửa sổ và kết bạn với bầu trời cao xanh. Nhưng thay vì thấy cánh cửa tương lai đóng lại, Tèo “bao giờ cũng nhìn thấy sự may mắn trong một hoàn cảnh không may mắn, bao giờ cũng tươi vui trong một số phận kém vui tươi, bao giờ cũng đối xử tốt với cuộc đời mặc dù không phải lúc nào cuộc đời cũng đối xử tốt với mình”.
Nhật Minh chia sẻ: “Em tìm thấy sự đồng cảm ở số phận của Tèo, khi bản thân cũng từng rất buồn, với phần lớn thời gian ở nhà một mình và cảm giác tự ti. Thậm chí, em đã thấy cuộc đời mình khép lại trên chiếc xe lăn và hai bàn chân đau đớn. Nhưng cái cách mà Tèo đối mặt với mọi việc bằng tình yêu thương trong trẻo, bằng đôi mắt vui vẻ lạc quan, truyền năng lực tích cực cho mọi người xung quanh thật đáng trân trọng”. Cuộc đời Tèo trong truyện đã truyền cảm hứng cho Nhật Minh, với nghị lực vượt lên nghịch cảnh, biết vị tha và yêu thương trước hết với chính bản thân mình.
Sau ca phẫu thuật và nhiều đợt phục hồi chức năng, Nhật Minh đã trở lại trường học. Khi ấy em đã mất gần nửa năm học. Nhưng với sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, Nhật Minh đã theo kịp chương trình, hoàn thành năm học.
Nhật Minh và cô giáo chủ nhiệm lớp 12D1 Trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An.
Đôi chân của Minh đã có thể bước đi, dù thân thể dừng lại ở cậu bé 12 tuổi, chịu đựng cơn đau nhức mỗi lúc trái gió trở trời. Em bảo, mình may mắn hơn Tèo khi có bố mẹ ở bên, có thầy cô giúp đỡ và có bạn bè đồng hành, yêu quý. Em còn có cậu bạn thân đặc biệt, “bạn Hoàng Sơn ở gần nhà, học cùng lớp với em từ cấp 2 lên cấp 3. Thời gian đầu sau khi quay trở lại trường, bố hoặc mẹ chở em đi học. Nhưng sau đó em và Sơn đi học cùng nhau, hầu như ngày nào bạn cũng sang đón và chở em tới trường”.
Nhật Minh đã dần biết sống cho hiện tại và tìm kiếm niềm vui qua đôi mắt mình, trong học tập và từ những người thân yêu xung quanh. “Bây giờ cũng là nơi đó, cũng là mình, nhưng mình đã đi lại được. Mình vẫn luôn nỗ lực để làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống, thể hiện trách nhiệm với bản thân và cộng đồng”, Nhật Minh kết lại câu chuyện của mình trong clip dự thi Đại sứ văn hóa đọc. Clip do chính em đọc lời dẫn bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt đã tạo ấn tượng, giành giải Nhì cấp tỉnh và là tác phẩm duy nhất của Nghệ An lọt vào vòng thi cấp quốc gia.
Trong năm lớp 12, mục tiêu tiếp theo của Đinh Nguyễn Nhật Minh là đạt kết quả tốt tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Cùng với điểm IELTS và giải Nhì học sinh giỏi tỉnh, định hướng của em là xét tuyển vào ngành ngôn ngữ Anh với ước mơ trở thành biên dịch viên. Cũng như cậu bé Tèo trong truyện, Nhật Minh đã không ngừng cố gắng để tự viết câu chuyện có hậu cho cuộc đời mình, thắp lên niềm tin, tỏa sáng giá trị riêng của bản thân, như bầu trời cao xanh rực rỡ ngoài kia…
Thầy Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập cho biết: “Nhật Minh là câu học trò thực sự đặc biệt. Em có hoàn cảnh thiệt thòi, éo le nhưng đã chọn thái độ sống, học tập tích cực, âm thầm cố gắng. Nhật Minh đã khẳng định bản thân và lan tỏa, truyền cảm hứng về nghị lực vươn lên học tập cho nhiều bạn học khó khăn khác”. |