Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” tại Trường THPT Thủ Thiêm.
Công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT luôn được các trường học trên địa bàn TPHCM quan tâm, nhất là đối với học sinh khối 12. Nhiều trường đã bố trí đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, chuyên môn để tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Đồng thời liên kết, phối hợp với các đơn vị tuyển sinh, các trường đại học, cao đẳng tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh và cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm thực tế các ngành, nghề mà trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đang đào tạo.
Tại Trường THPT Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh được nhà trường thực hiện ngay từ học sinh khối lớp 10 để các em sớm có định hướng và đầu tư những môn học theo các ngành đã chọn. Cùng với đó, Ban Giám hiệu đã hướng dẫn giáo viên lồng ghép các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh vào các tiết sinh hoạt lớp hay buổi chào cờ đầu tuần. Đồng thời đầu năm học, nhà trường thực hiện khảo sát đối với học sinh các khối lớp và trên cơ sở kết quả học tập của học sinh, trường sẽ tư vấn để các em hiểu rõ và lựa chọn những ngành, nghề phù hợp.
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Tấn Tài, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), bên cạnh các tiết giáo dục hướng nghiệp theo chương trình, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức những hoạt động ngoại khóa có mời một số trường đại học, cao đẳng và chuyên gia để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Đặc biệt đối với học sinh khối 12, hàng năm nhà trường sẽ tổ chức các buổi thi thử để phân luồng học sinh và xây dựng kế hoạch học tập phù hợp. Qua đó, học sinh xác định được động cơ, thái độ học tập và rèn luyện, hiểu được yêu cầu và xu thế phát triển của nguồn nhân lực trong tương lai.
“Trong công tác hướng nghiệp, nhà trường luôn hướng đến việc giúp học sinh biết được đặc điểm của từng nghề nghiệp, hiểu được năng lực, sở trường của mình có phù hợp với nghề mà mình đam mê không hoặc những khó khăn các em sẽ gặp phải khi chọn theo nghề,... Từ đó, các em biết mình cần phải học tập và rèn luyện những gì để có thể thích ứng với đặc điểm của nghề nghiệp và vượt qua khó khăn khi gắn bó với nghề trong tương lai.
Đặc biệt, nhà trường còn đẩy mạnh thực hiện theo nguyện vọng của từng học sinh. Học sinh “đặt hàng” các trường đại học mà các em quan tâm, các ngành học có mong muốn học tập, nhà trường sẽ tìm cách kết nối để các em tìm hiểu, tham quan, nắm bắt thông tin đầy đủ nhất về trường học, ngành học đó”, thầy Tài cho hay.
Công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT luôn được các trường học trên địa bàn TPHCM quan tâm.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Công Kỳ, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Phát triển GD&ĐT phía Nam, Bộ GD&ĐT, nước ta có khoảng 1.200 nghề với 23 nhóm lĩnh vực, gồm: Kinh tế, tài chính, xã hội, nhân văn, tâm lý, nông lâm, kỹ thuật, điện tử,… Ngành đào tạo được xếp thành các bậc: Sơ cấp, trung cấp 898 ngành, cao đẳng 670 ngành, đại học 463 ngành.
Ông Kỳ cho biết: “Dù ngành học đa dạng nhưng ở mỗi bậc, mỗi trường, mỗi ngành có chương trình đào tạo khác nhau. Tùy vào nhu cầu, các em học sinh có thể lựa chọn một ngành phù hợp với năng lực và đam mê”.
TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở Khoa học-Công nghệ TPHCM) cho rằng, để chọn ngành nghề phù hợp trước tiên học sinh phải hiểu bản thân mình. Muốn hiểu bản thân, các em có thể dựa vào 2 nhóm sau. Thứ nhất là những người có thiên hướng về nghiên cứu, thích tò mò, khám phá, làm việc độc lập. Những học sinh thấy mình nằm trong nhóm này có thể chọn học những ngành như cơ khí chế tạo máy, công nghệ sinh học, an ninh.
Nhóm thứ 2 dành cho những người hướng ngoại, thích tương tác, yêu nghệ thuật. Theo đó, học sinh thuộc nhóm này có thể chọn những ngành học như quản trị kinh doanh, giáo viên, luật, chuyên gia tâm lý, quan hệ công chúng.
Còn chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo cho rằng học sinh có thể dựa vào năng lực của bản thân để lựa chọn ngành nghề. Theo đó, các em giỏi môn nào, thuộc tổ hợp nào thì dựa vào đó lựa chọn ngành nghề: Nếu giỏi môn văn, sử, địa chọn khối C; giỏi toán, lý, hóa chọn khối A,…
Ngoài ra, việc học sinh lựa chọn ngành nghề còn phải dựa vào nhiều yếu tố khác như: sức khỏe ngoại hình, tài chính gia đình. Ví dụ, các em muốn sau này trở thành vận động viên bóng rổ thì phải có chiều cao, muốn làm hướng dẫn viên du lịch thì phải có sức khỏe, ngoại hình.
Bà Thảo nhấn mạnh: “Có nhiều con đường để thành công, quan trọng là chúng ta có quyết tâm để theo đuổi nó không. Và sự thành công không phụ thuộc vào ngành nghề, bậc học mà phụ thuộc vào năng lực. Có năng lực chúng ta sẽ làm được tất cả”.
Thầy Tài chia sẻ thêm: “Cùng với nhà trường, các bậc phụ huynh cũng cần chủ động tìm kiếm thông tin để phân tích, định hướng cho con em mình lựa chọn ngành, nghề thích hợp. Từ đó học sinh bước chân vào trường đại học, cao đẳng hay các trường dạy nghề có thể yên tâm với việc lựa chọn đúng ngành, nghề phù hợp...”.