Thứ tư, 16/10/2024 | 08:47
RSS

Tháo "bảo bối" hồi sinh sông Tô Lịch, đàn cá Koi Nhật Bản đi đâu?

Thứ hai, 11/11/2019, 07:06 (GMT+7)

Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản đã tháo dỡ hệ thống Nano - Bioreactor trên sông Tô Lịch và chuyển đàn cá Koi, cá chép Việt Nam đã thả tại khu thí điểm trước đó, về khu vực thí điểm tại hồ Tây.

Đó là thông tin được đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản cho biết. Cụ thể TS. Tadashi Yamamura - Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mai - Môi trường Nhật Bản thông tin, đơn vị này đã hoàn thành dự án thí điểm xử lý ô nhiễm và báo cáo kết quả thí điểm tới UBND TP.Hà Nội, các Sở, Ngành, đơn vị liên quan.

Ngay sau đó, đơn vị này đã tiến hành tháo dỡ khu thí điểm trên sông Tô Lịch và tiếp tục duy trì việc kiểm chứng khả năng không bị tái ô nhiễm trở lại tại khu thí điểm một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor.

Tháo bảo bối hồi sinh sông Tô Lịch, đàn cá Koi Nhật Bản đi đâu?

Hệ thống Nano - Bioreactor trên sông Tô Lịch đã được tháo dỡ sau khi hoàn thành dự án thí điểm xử lý ô nhiễm.

Hệ thống Nano - Bioreactor lắp đặt tại khu vực thí điểm ở hồ Tây vẫn được đơn vị duy trì hoạt động. Việc bảo trì hệ thống Nano tại hồ Tây sẽ do đơn vị phối hợp triển khai dự án của Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản là Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) thực hiện.

Song song với việc tháo dỡ khu thí điểm trên sông Tô Lịch, đơn vị này cũng đã tiến hành chuyển cá Koi, cá chép trên sông sang khu thí điểm tại hồ Tây.

Việc chuyển đàn cá Koi, cá chép Việt Nam về khu vực thí điểm công nghệ Nano – Bioreactor tại hồ Tây nhằm chứng minh khả năng không bị tái ô nhiễm, cá sẽ không bị chết mặc dù thời tiết có thay đổi đột ngột.

"Việc giữ lại khu thí điểm hồ Tây để chứng minh việc sau khi xử lí chất lượng nước đã đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT khi không vận hành máy Nano nhưng nước bên trong khu thí điểm vẫn không bị tái ô nhiễm. Ngoài ra, để người dân, đơn vị có nhu cầu xử lý ô nhiễm ao hồ có thể trực tiếp đến thị sát, thăm quan và đánh giá trực quan, so sánh sự khác nhau rõ rệt giữa chất lượng nước bên trong và bên ngoài khu thí điểm xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nhật Bản", TS Tadashi Yamamura cho hay.

Tháo bảo bối hồi sinh sông Tô Lịch, đàn cá Koi Nhật Bản đi đâu?

Song song với việc tháo dỡ khu thí điểm trên sông Tô Lịch, đơn vị này cũng đã tiến hành chuyển cá Koi, cá chép trên sông sang khu thí điểm tại hồ Tây.

Trước đó, ngày 16/5, TP.Hà Nội đã khởi động Dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor. Sau một thời gian thí điểm, bước đầu công nghệ đã giúp cải thiện chất lượng nước ở hai khu vực.

Ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo Tổng cục Môi trường đã đến thị sát khu vực lắp đặt thí điểm công nghệ Nano - Bioreactor tại hồ Tây.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao dự án, về tiêu chí xử lý mùi, bùn, một số chất mà công nghệ cơ bản đã làm được; đồng thời mong muốn tiếp tục hợp tác với Nhật Bản trong việc xử lý ô nhiễm trên sông, hồ ở Việt Nam.

Theo kết quả phân tích chất lượng nước khu thả cá Koi trên sông Tô Lịch và hồ Tây của Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam) và Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường), 36/36 chỉ tiêu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08.

Mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần, ở hồ Tây giảm 30 lần. Nước ở khu  xử lý thả cá Koi tại sông Tô Lịch: Vi khuẩn có hại Coliform giảm hơn 61 triệu lần, E.Coli giảm 1.100 lần. Nước khu xử lý thả cá Koi tại hồ Tây: Vi sinh vật có lợi Bacillus tăng 738 lần, tổng vi sinh vật hiếu khí tăng 47 lần. Bùn ở sông Tô Lịch giảm nhiều nhất 76,3cm (từ 91,3cm còn 15cm); tại hồ Tây giảm nhiều nhất về 0cm.

Hoàng Thành
Theo Dân Việt