Ngày 17/7, trao đổi với Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết chưa nhận được phản hồi nào từ Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản về việc đơn vị xả hơn 1 triệu m3 nước hồ Tây vào sông Tô Lịch khiến toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong vòng gần 2 tháng qua trong chốc lát bị cuốn trôi, bây giờ phải làm lại từ đầu.
Theo vị này, Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản gửi công văn đề nghị lùi thời hạn kết thúc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor đến ngày 17/9, đến nhiều cơ quan khác nhau nhưng không gửi đến đơn vị.
"Lâu nay, theo quy định của TP Hà Nội thì lúc nào mực nước ở hồ Tây dâng cao đến mức nguy hiểm thì đơn vị sẽ cho xả nước để điều tiết, bảo đảm an toàn, vì khu vực hồ Tây là khu vực trung tâm, rất quan trọng trong TP. Khi đơn vị xả nước ở hồ Tây cũng không báo trước cho Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, việc làm này là bình thường và đúng quy định" - lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay.
Phía công ty Thoát nước Hà Nội dẫn chiếu quy định của thành phố về việc thống nhất mực nước khống chế các sông, hồ điều hòa ở Hà Nội. Theo đó, mực nước khống chế vào mùa mưa của Hồ Tây được quy định từ 5,60 - 5,70m.
Ngày 9/7, mực nước hồ Tây đo được là 5,96m, vượt 0,26 đến 0,36m so với mực nước quy định. Vì thế, đơn vị này bắt buộc phải xả nước để điều tiết, lấy chỗ chứa nước cho các trận mưa tiếp theo.
Thực tế, chiều tối 15/7, Hà Nội có mưa lớn, mực nước sông dâng cao nhưng quanh khu vực hồ Tây không bị úng ngập vì nước mưa đã được rút xuống hồ.
Công ty thoát nước Hà Nội đề nghị phía JVE nghiên cứu, có giải pháp khắc phục. Từ nay đến tháng 10, hồ Tây tiếp tục được dự báo tiếp tục phải tiếp nhận nước mưa chống ngập cho thành phố, sông Tô Lịch cũng tiếp tục là nơi thoát nước cho hồ Tây.
Trước đó, ngày 16/5 TP. Hà Nội đã khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor. Trong gần một giờ đồng hồ, hàng chục chuyên gia và công nhân đã lắp đặt hai hộp thiết bị xuống đáy sông, đoạn từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về phía Cầu Giấy.
Sau hơn 1 tháng thử nghiệm, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty cải thiện môi trường Nhật-Việt (đơn vị triển khai công nghệ Nano-Bioreactor) thông tin, công nghệ này đã của bùn đã giảm từ 15-20 cm, nồng độ khí độc hydro sunfua (H2S), khí amoniac (NH3) gây mùi hôi thối cũng giảm hẳn.
Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho biết, kết quả test nhanh cho thấy thấy nước ở khu vực đặt máy xử lý theo công nghệ Nhật Bản đã được cải thiện, nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO) cao hơn khu vực chưa xử lý; nước sông trong hơn và giảm độ cặn lơ lửng.