Thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ chó cắn trẻ em để lại hậu quả vô cùng thương tâm. Hình minh họa.
Nạn nhân là cháu N.V.Th. (12 tuổi, trú xã Thọ Lộc, Thọ Xuân, Thanh Hóa) bị chó nhà hàng xóm cắn với vết thương rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng và đã phải nhập Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân ngày 29/4.
Ngay sau khi gia đình đưa cháu bé nhập viện, các y bác sĩ đã sơ cứu cho bệnh nhi, rồi phải chuyển tiếp ngay lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để điều trị vì vết thương ở đầu, tai và nhiều vết thương rất nặng khác trên người.
Các bác sĩ cho biết, cháu Th. bị lóc da đầu, mất hai tai, nhiều vết thương trên cơ thể. Sau khi tiếp nhận bệnh nhi Th. các bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa phải truyền máu cấp cứu để bảo toàn tính mạng cho Th.. Trong đêm 29/4, bệnh viện đã chuyển Th. ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để điều trị các vết thương trên cơ thể.
Các bác sĩ khuyến cáo, các gia đình nuôi chó mèo cần có ý thức trông giữ vật nuôi, tránh thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Khi bị chó cắn cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Đặc biệt, cần tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ hoặc cán bộ thú y; không bán hoặc tiêu thụ thịt chó, mèo… bị ốm hoặc nghi ngờ dại vì có thể làm cho bệnh dịch lây lan, người dân cũng cần nhốt hoặc theo dõi chó, mèo trong vòng 1 tuần nếu có biểu hiện bất thường hoặc ốm, chết thì phải đi tiêm phòng ngay.
Xem thêm clip: Hãi hùng nam thanh niên bị bạn cắn đứt tai rồi nuốt vào bụng.