Thứ năm, 19/09/2024 | 14:11
RSS

Thêm một cháu bé Hà Nam bị chó cắn gây thương tích nặng ở mặt

Thứ ba, 23/04/2019, 20:29 (GMT+7)

Từ tháng 1/2019 -23/4/2019, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận 10 trường hợp bệnh nhân bị chó cắn. Mới đây nhất, một cháu bé 4 tuổi ở Hà Nam bị chó nhà cắn phải nhập viện với vết thương rất nặng.

Cháu bé Hà Nam bị chó nhà cắn rách mặt
Một cháu bé bị chó cắn rất thương tân đang điều trị tại bệnh viện Việt Đức.

Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, ngày 21/4, bệnh viện tiếp nhận cháu bé T.H.K, 4 tuổi, ở Hà Nam bị chó nhà tấn công (chó đẻ, chưa tiêm phòng dại).

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng vết thương dập nát vùng má từ góc mép đến sát tai, lộ tổ chức mỡ, kiểm tra vết thương tương đối dập nát, may mắn vết thương chỉ ở phần da và tổ chức dưới da, không ảnh hưởng đến cân cơ, thần kinh và các tuyến nước bọt vùng mặt. Các bác sỹ đã làm sạch sẽ, cắt lọc và khâu đính lại các vạt da cho cháu bé.

Ngay ngày hôm sau, bệnh nhân cũng được đưa đi tiêm phòng dại. Hiện tại vết thương khô, sức khỏe ổn định, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.

Mới đây, ngày 19/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng tiếp nhận bệnh nhân nam 7 tuổi, ở Thái Nguyên, bị chó nhà cắn, giống Pitbull, 17 kg, nuôi được 2 năm. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử 2 bên giãn, đa vết thương vùng đầu, mặt, cổ, ngực, vết thương cánh tay 2 bên, vết thương tầng sinh môn nhiều

Mặc dù đã được các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu và hồi sức tích cực nhưng do tình trạng quá nặng nên bệnh nhân đã không qua khỏi. Từ tháng 1/2019 -23/4/2019, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận 10 trường hợp bệnh nhân bị chó cắn.

Để hạn chế đi những hậu quả nghiêm trọng từ vết chó cắn, các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần tách rời quần/áo với vết cắn nhằm hạn chế việc nước bọt của chó dính trên quần áo sẽ tiếp tục bám vào vết thương.

Sơ cứu và rửa ngay vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch trong vòng 15 phút. Tốt nhất nên rửa vết thương dưới vòi nước chảy sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết thương. Có thể sử dụng các chất sát trùng thông thường, sẵn có trong nhà như rượu, cồn, xà phòng, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.

Sau khi đã rửa sạch vết thương, cần kiểm tra ngay xem tình trạng của vết cắn ở mức độ nào để có hướng xử lý phù hợp. Nếu vết thương chỉ bị trầy xước nhẹ bên ngoài da thì có thể tự băng bó tại nhà. Tuy nhiên, hãy lưu ý không băng bó quá chặt vì sẽ khiến máu khó lưu thông.

Trong trường hợp vết thương quá nặng, nạn nhân mất nhiều máu thì cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu cầm máu kịp thời.


Xem thêm clip: ​Trị rắn độc cắn bằng hạt chanh - bài thuốc cứu sống người trong 1 phút

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN